Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2023 Bệnh viện An Bình, các chuyên gia đã đề cập rất nhiều nội dung mới, bổ ích xoay quanh vấn đề chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp, suy tim, bệnh thận mạn,…
Lạm dụng SABA làm tăng đợt kịch phát và nguy cơ tử vong
Tại phiên 1 của hội nghị, TS.BS Thái Thị Thùy Linh – Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM đã đem đến bài báo cáo“Liệu pháp kháng viêm giảm triệu chứng trong điều trị hen”.
TS.BS Thái Thị Thùy Linh cho biết:“Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp. Bệnh có các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, nặng ngực đặc biệt thường xảy ra vào trời tối và sáng sớm”.
Thế giới hiện nay có khoảng 339 triệu bệnh nhân mắc bệnh hen (chiếm tỷ lệ khá cao), 70.888 ca nhập viện và 1.428 ca tử vong do hen. Đây là tỷ lệ đáng báo động, đang đe dọa sức khỏe và tác động lớn đến cuộc sống của bệnh nhân.
Nghiên cứu đã chứng minh, bệnh xảy ra tất cả các lứa tuổi và các đợt kịch phát hen. Do đó, phải tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân, cần điều trị lâu dài nếu không sẽ dẫn đến tử vong.
“Hiện nay hen có nhiều cơn kịch phát xảy ra, mặc dù thuốc đã có nhiều tiến bộ trong điều trị nhưng tỷ lệ cơn kịch phát và tử vong do hen vẫn cao. Nguyên nhân do ý thức của người dân thường cho rằng khi đã cắt được cơn hen sẽ không cần điều trị nữa, nên thường xuyên lạm dụng SABA (thuốc cắt cơn) để giải quyết tình trạng bệnh”– BS Thái Thị Thùy Linh nhấn mạnh.
Lạm dụng SABAcó liên quan đến tăng đợt kịch phát và nguy cơ tử vong. Nếu sử dụng ≥ 3 ống/năm (trung bình 1,7 nhát/ngày) có liên quan đến tăng nguy cơ nhập cấp cứu. Sử dụng ≥ 12 ống/năm có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong.
Sử dụng thường xuyên SABA có liên quan đến tác dụng phụ như giảm hoạt động thụ thể beta, giảm khả năng bảo vệ phế quản, tăng phản ứng quá mẫn đường dẫn khí, giảm đáp ứng với thuốc giãn phế quản; Tăng phản ứng dị ứng và tăng viêm đường hô hấp thể tăng bạch cầu ái toan.
TS.BS Thái Thị Thùy Linh khuyến cáo:“Nên sử dụng TRACK 1 (GINA)để giảm thiểu nguy cơ lạm dụng SABA. Liệu pháp BUD/FORM kháng viêm giảm triệu chứng ± duy trì giúp bệnh nhân cắt cơn do khởi phát tác dụng tương đương SABA, đơn giản điều trị trong 1 ống hít. Ngoài ra, liệu pháp BUD/FORM giúp giảm đợt kịch phát tốt hơn trên hen trung bình – nặng, do đó, lượng corticoid hít hàng ngày thấp hơn đáng kể”.
Cứ 10 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh thận mạn
Tiếp nối chương trình là bài báo cáo“Tiến bộ mới trong điều trị bệnh thận mạn: từ nghiên cứu đến khuyến cáo”của BS.CK2 Nguyễn Thị Lệ Hằng – Trưởng khoa Nội Tiết – Thận, Bệnh Viện An Bình.
BS.CK2 Nguyễn Thị Lệ Hằng chia sẻ:“Bệnh thận mạn là căn bệnh phổ biến, năm 2017, thống kê trên thế giới ước tính có 843,6 triệu người mắc bệnh thận mạn. Cứ 10 người trưởng thành có 1 bệnh nhân mắc bệnh thận mạn.
Bệnh thường xuyên xảy ra và để lại biến chứng rất nặng nề. Vì vậy, phải nỗ lực các biện pháp phòng ngừa cũng như phát triển nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh cũng như diễn tiến đến giai đoạn cuối”.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong/mới mắc bệnh thận mạn cao trong khu vực. Hiện nay, ước tính có 5 triệu bệnh nhân mắc bệnh thận mạn. Trong đó, có 26.000 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Mỗi năm sẽ có thêm 8.000 người được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn.
Theo nghiên cứu, SGLT2i giảm biến cố thận đồng nhất bất kể mức eGFR nền. Bên cạnh đó, khởi trị SGLT2i ngay từ giai đoạn sớm giúp giảm biến cố thận rõ rệt và giảm gánh nặng lọc máu. Sử dụng SGLT2i từ giai đoạn sớm giúp kéo dài thời gian đến bệnh thận giai đoạn cuối.
Khuyến cáo của Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam năm 2023, để điều trị làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn đến suy thận mạn giai đoạn cuối cần kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết, dùng nhóm thuốc ức chế hệ renin angiotensin .
Dùng thuốc ức chế kênh đồng vận Sodium-Glucose 2 (SGLT2 inhibitor): dựa trên kết quả của các thử nghiệm lâm sàng trên các thuốc ức chế SGLT2 hiện có (DAPA-CKD, EMPA-KIDNEY), chỉ định khởi trị bằng dapagliflozin, empagliflozin ở bệnh nhân bệnh thận mạn kèm hoặc không kèm đái tháo đường khi mức lọc cầu thận ≥ 20ml/ph/1,73 m2, và tiếp tục dùng cho đến khi bệnh nhân lọc máu. Không khởi đầu dùng khi mức lọc cầu thận < 20ml/ph/1,73 m2. (Sử dụng ức chế SGLT2 có mức độ khuyến cáo 1A cho bệnh nhân đái tháo đường type 2, bệnh nhân bệnh thận mạn và suy tim).
“Lợi ích bảo vệ thận của SGLT2i đã được thấy từ các nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đườngtype 2. Gần đây nhiều thử nghiệm của SGLT2i chuyên biệt trên bệnh thận mạn đã ra đời.
EMPA-KIDNEY tuyển chọn phổ rộng đặc điểm bệnh nhân (54% không có đái tháo đường, 48% có albumin niệu < 300 mg/g), cho thấy nguyên nhân bệnh thận đa dạng, chấp nhận mức eGFR thấp từ 20 ml/phút/1.73m2.
Empagliflozin giảm 28% nguy cơ bệnh thận tiến triển và tử vong tim mạch, kết quả này nhất quán giữa các nguyên nhân bệnh thận mạn, mức eGFR
Phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn giúp kéo dài thời gian đến bệnh thận giai đoạn cuối. SGLT2i trong đó có empagliflozin đã được các khuyến cáo quốc tế và Việt Nam đưa vào điều trị bệnh thận mạn kèm hoặc không kèm đái tháo đường”– chuyên gia kết luận.
Đái tháo đường là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu
Trong bài báo cáo“Lựa chọn điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi, suy thận”– BS.CK1 Dương Võ Lâm – Phó Khoa Nội tiết – Bệnh viện An Bình đề cập đến 3 vấn đề, thực trạng và thách thức trong điều trị đái tháo đường type 2 ở bệnh nhân cao tuổi, hiệu quả và an toàn của Vildagliptin trên bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân suy thận.
Theo thống kê từ Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, 1 trong 10 người trưởng thành (20 – 79 tuổi) mắc đái tháo đường. Đáng chú ý hơn, 1 trong 2 người trưởng thành chưa được chẩn đoán bệnh và 6,7 triệu người tử vong do đái tháo đường. Ngoài ra, có đến 1,2 triệu trẻ em – trẻ vị thành niên dưới 20 tuổi mắc đái tháo đường type 1.
“Trong khi đó, tần suất đáo tháo đường ngày càng tăng, nếu năm 2019 có 463 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu thì dự đơn đến năm 2045 con số này có thể đạt mức 700 triệu người. Đái tháo đường type 2 là thường gặp nhất, chiếm khoảng 90% người đái tháo đường trên toàn thế giới. Cho đến nay, đái tháo đường được xác định là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu”– BS.CK1 Dương Võ Lâm thông tin.
Tại Việt Nam, tỷ lệ đái tháo đường tăng cao ở người cao tuổi, với con số thống kê là 0,5 triệu người mắc bệnh. Trong khi đó, việc kiểm soát tốt glucose huyết ở người cao tuổi gặp nhiều khó khăn và thách thức do tăng nguy cơ suy giảm nhận thức; trầm cảm đưa đến lú lẫn, giảm tuân thủ điều trị; không dung nạp tác dụng phụ dẫn đến kém tuân trị; bệnh đồng mắc (khoảng 70% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có ít nhất 2 bệnh đồng mắc), điều này kéo theo việc phải sử dụng nhiều thuốc (có thể gây ra tương tác thuốc, và bệnh nhân dùng trên 5 thuốc dễ bị hạ đường huyết); chức năng thận suy giảm (giảm thải thuốc cũng làm tăng nguy cơ hạ đường huyết). Chưa kể, trên người cao tuổi, thời gian mắc bệnh lâu năm, không kiểm soát tốt bệnh dẫn đến nhiều biến chứng như biến chứng mạch máu nhỏ, biến chứng tim mạch…
Chuyên gia nhấn mạnh, hạ đường huyết và bệnh tật trầm trọng hơn ở người cao tuổi có mỗi quan hệ hai chiều. Thống kê cho thấy, gần 17% trường hợp nhập viện ở người đái tháo đường type 2 cao tuổi là hạ đường huyết nặng. Tỷ lệ nhập viện vì hạ đường huyết không giảm mặc dù đã sử dụng thuốc có nguy cơ thấp hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn trở thành gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình.
48% người bệnh suy tim tử vong sau 5 năm
BS.CK2 Nguyễn Văn Tạo – Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện An Bình đem đến hội nghị 2 bài báo cáo. Trong đó, với đề tài“Vai trò của SGLT2i trong suy tim”chuyên gia cho biết, hiện nay suy tim được phân loại gồm suy tim phân suất tống máu giảm (HFrEF), suy tim phân suất tống máu giảm nhẹ (HFmrEF) và suy tim phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF). Chuyên gia nhấn mạnh, người bệnh suy tim có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều loại ung thư. Trong khi tỷ lệ tử vong sau 5 năm ở người bệnh suy tim lên đến 48%, thì ở bệnh nhân ung thư vú khoảng 10%, ung thư đại trực tràng là 34% và bệnh bạch cầu 40%.
Qua các con số cho thấy, gánh nặng của suy tim ảnh hưởng đến bệnh nhân trên toàn cầu. Thống kê chỉ ra, 50% bệnh nhân tử vong sau 5 năm chẩn đoán, 60% bệnh nhân tái nhập viện trong 3 tháng đầu tiên sau nhập viện, 9/10 bệnh nhân vẫn còn triệu chứng.
“Hiện nay, SGLT2i là một trong những trụ cột mới trong phác đồ điều trị suy tim. Trong đó, đối với suy tim phân suất tống máu giảm nhẹ, SGLT2i được khuyến cáo khởi trị sớm bởi các guideline và được kỳ vọng là điều trị khởi đầu trong suy tim. Đối với suy tim PSTM giảm nhẹ và bảo tồn, SGLT2i được ESC guidelines 2023 khuyến cáo mức IA, trong đó Dapagliflozin chứng minh hiệu quả trên dải LVEF rộng (≥ 60%)”– BS.CK2 Nguyễn Văn Tạo cho biết thêm.
Một thông tin đáng chú ý khác từ chuyên gia cũng cho thấy, hiện có thêm các bằng chứng mới chứng minh hiệu quả và độ an toàn của SGLT2i trong giai đoạn suy tim cấp. Theo đó, qua các nghiên cứu, hiệu quả của Dapagliflozin khi dùng giai đoạn sớm suy tim cấp cho thấy làm tăng hiệu quả thải natri niệu, tăng số lượng nước tiểu khi tính cho mỗi 40mg furosemide, giảm tổng liều và tổng thời gian sử dụng furosemide, giảm thời gian nằm viện, đồng thời an toàn cho người bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh thận mạn. “Do vậy, sử dụng sớm Dapagliflozin ở người bệnh suy tim cấp thúc đẩy an toàn cho việc cải thiện sung huyết và điều trị nội khoa tối ưu”.
Hơn 50% bệnh nhân tăng huyết áp liên quan cơ chế thần kinh giao cảm
Trong bài báo cáo“Giữa các khuynh hướng điều trị tăng huyết áp, đâu là vai trò chẹn beta?”– BS.CK2 Nguyễn Văn Tạo – Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện An Bình nhấn mạnh, tăng hoạt tính giao cảm là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp. Chuyên gia dẫn chứng, có đến hơn 50% bệnh nhân tăng huyết áp liên quan cơ chế thần kinh giao cảm.
Trong các khuyến cáo, điều trị đầu tay trong tăng huyết áp không biến chứng nên được lựa chọn trong số ba nhóm thuốc ưu tiên, gồm có thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể ARB, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu. Đặc biệt, ESH 2023 tiếp tục khẳng định 5 nhóm thuốc cơ bản điều trị tăng huyết áp (ACEi, ARB, BB, CCB và lợi thiểu thiazide/ giống thiazide), trong đó nhấn mạnh chỉ định chẹn beta và viên phối hợp liều cố định.
Đề cập đến vị trí của chẹn beta giao cảm trong điều trị tăng huyết áp, BS.CK2 Nguyễn Văn Tạo đưa ra khuyến cáo của ESH 2023 cho thấy, chẹn beta có thể đơn trị, cũng có thể khởi khởi trị phối hợp và nên được sử dụng trong các trường hợp HFrEF, HFpEF, bệnh tim thiếu máu cục bộ, rung nhĩ, nhịp tim nhanh, dự định mang thai, thai kỳ.
Trong khi đó, khuyến cáo điều trị tăng huyết áp 2022 của Hội Tim mạch học Việt Nam cũng nhấn mạnh, cân nhắc sử dụng chẹn beta giao cảm ở bất cứ giai đoạn nào khi chỉ định sử dụng chuyên biệt. Ví dụ như suy tim, đau thắt ngực, sau nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, kiểm soát tần số nhịp hoặc phụ nữ có thai.
Về nhóm thuốc chẹn beta, trong ESH 2023 cũng đề cập một số điểm nhấn đáng chú ý. Một là Nebivolol và bisoprolol, báo cáo hồ sơ tác dụng ngoại ý thuận lợi hơn do với các chẹn beta khác, bao gồm cả tác dụng liên quan đến chức năng tình dục. Hai là, RCT của Metoprolol, Bisoprolol, Nebivolol đều chứng minh cải thiện tử vong trên suy tim, nhưng trên bệnh nhân THA chưa có nghiên cứu pha III tương tự. Ba là, các chẹn beta có tính giãn mạch (Nebivolol, Carvedilol) có một số bằng chứng thế giới thực liên quan đến cải thiện kết cục tim mạch nhưng bằng chứng khá đa chiều.
“Chẹn beta không phải là nhóm thuốc đồng nhất. Hiệu quả, tính an toàn và tuân thủ điều trị được củng cố qua các chẹn beta thế hệ mới cả trong nghiên cứu RCTs và nghiên cứu RWE”– BS.CK2 Nguyễn Văn Tạo cho biết.
Cuối cùng, BS.CK2 Nguyễn Văn Tạo nhấn mạnh, tần số tim nhanh là một biểu hiện của tăng hoạt hệ thần kinh giao cảm, gia tăng biến cố tim mạch và tử vong. Do đó, đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát nhịp tim dưới 80 lần/phút.
Nguồn: alobacsi.com