Hành trình điều trị rối loạn nói và nuốt – Hành trình của niềm tin và nghị lực.

Anh Nguyễn Văn A (tên bệnh nhân đã được thay đổi) là một chàng trai trẻ năng động. Tuy mang trong mình căn bệnh suy thận, thiếu máu mạn tính, huyết áp cao, nhưng anh chưa từng mất đi niềm tin vào cuộc sống mà vẫn luôn kiên trì với công việc và với cả những phác đồ điều trị. Đặc biệt hơn, ý chí của chàng trai lại bị thử thách khi trong một lần điều trị suy thận cấp, anh phải đặt sonde mũi dạ dày, không thể ăn uống, không thể nói, chẳng thể nhai và nuốt và mọi giao tiếp của anh với gia đình, thậm chí với nhân viên y tế gần như bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vào tháng 09/2023, anh A đã được chuyển đến bệnh viện An Bình để tập phục hồi nói và nuốt. Khoa Phục hồi chức năng đã tiếp nhận và hướng dẫn anh A cũng như gia đình những lưu ý và những bài tập luyện đơn giản, dễ áp dụng tại nhà do bệnh nhân ở xa. Anh A và gia đình tiếp tục duy trì các bài tập hằng ngày và thường xuyên báo lại sự tiến bộ qua điện thoại. Với sự nỗ lực và kiên trì của bản thân, cùng với sự động viên, giúp đỡ của gia đình và tiến sĩ trưởng khoa, anh A đã có những tiến triển vượt bậc.

Sau khoảng 10 ngày kiên trì tập luyện từ những động tác cơ bản nhất, anh A bắt đầu đã nói được một số từ và mức độ rõ ràng ngày càng cải thiện. Sau 2 tuần, anh A bắt đầu nhai nuốt được.

Một người bệnh đang luyện tập trị liệu giao tiếp tại Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện An Bình

Tuần lễ đầy kinh ngạc của sự hồi phục

Và trong tuần lễ thứ 3, anh A đã có những tiến triển ngoạn mục. Anh được rút ống ăn, có thể tự đứng trên đôi chân của mình để tập những bài tập đi, có thể phát âm rõ ràng từng câu. Và bữa cơm gia đình đã trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn, khi anh A đã có thể cùng ngồi vào bàn, cùng ăn và cùng trò chuyện.

Điều trị rối loạn nói và nuốt là một quá trình trị liệu quan trọng. Trong cuộc sống thường ngày, nói và nuốt là một việc rất đơn giản, đơn giản đến mức dễ dàng, dễ dàng đến mức chúng ta không cần quan tâm. Thế nhưng, đối với người bệnh, đôi khi chỉ cần nói được một câu, thể hiện được một chút cảm xúc, hoặc nuốt được một ngụm nước, một muỗng cơm đã là một niềm vui quý giá đối với họ.

Ngôn ngữ trị liệu – luyện tập giao tiếp nhóm tại Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện An Bình

Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lời nói, Ngôn ngữ, Thính học Châu Á – Thái Bình Dương – Trưởng Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện An Bình cho biết: “Đối với trường hợp của anh A, ý chí của bệnh nhân, tình thương của gia đình, niềm tin của bệnh nhân và gia đình và sự quan tâm – trách nhiệm của người thầy thuốc tạo nên một sợi dây liên kết vô hình, giúp người bệnh có được sự phục hồi ngoạn mục”. Ngoài ra, Tiến sĩ Điền cũng nhấn mạnh: “Lĩnh vực Phục hồi chức năng hiện tại đã có những bước phát triển, và nhiều phương pháp giúp người có vấn đề về sức khoẻ có thể hồi phục và quay trở lại với cuộc sống thường ngày. Việc tập luyện để phục hồi đôi khi không cần những dụng cụ đắt tiền, không cần điều trị quá tốn kém, chỉ cần luyện tập đúng thời điểm đúng phương pháp, cộng với nỗ lực và sự quyết tâm không từ bỏ, chúng ta sẽ có những kết quả bất ngờ”.

Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lời nói, Ngôn ngữ, Thính học Châu Á – Thái Bình Dương – Trưởng Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện An Bình hướng dẫn các bài tập Ngôn ngữ trị liệu cho bệnh nhân

Quay lại với ý nghĩa của cuộc sống

Như vậy sau gần 3 tháng nỗ lực tập luyện phục hồi, hiện tại anh A đã có thể quay trở lại với cuộc sống thường ngày. Chẳng những anh làm việc lại, mà niềm vui, sự tin tưởng vào ý nghĩa của cuộc sống, điểm tựa của gia đình, và niềm tin vào sự quan tâm của ngành y tế cũng đã góp phần tiếp sức vào chặng đường nỗ lực tuyệt vời của anh. Dù cho con đường phía trước vẫn còn rất dài với nhiều thử thách, nhưng khi niềm tin được củng cố và nâng cao, thì chúng ta tin là anh đã và luôn có một sức mạnh vững chắc và tiếp tục đạt được những thành công mới.

Chúc anh A và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn cảm nhận trọn vẹn niềm vui và ý nghĩa cuộc sống. Niềm vui và ý nghĩa cuộc sống cho những người có vấn đề về sức khoẻ cần phục hồi cũng chính là kim chỉ nam mà Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện An Bình luôn đặt lên trên hết trong mọi hoạt động.

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Thực hiện: Khoa Phục hồi chức năng

Tin bài: Tổ truyền thông