TP HCM-Lớp vẽ trong Bệnh viện An Bình giúp bệnh nhân sau đột quỵ, chấn thương não cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, tự tin trong cuôc sống.
Tại khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện An Bình, mỗi sáng thứ 6 hàng tuần có hơn chục bệnh nhân tới học vẽ. Lớp được thành lập từ tháng 12/2013, ngưng gần hai năm do dịch Covid-19 và mới mở lại trong tháng này.
“Năm 2012, khi sang Australia học tập, tôi thấy mô hình hội họa giao tiếp khá phổ biến trong các bệnh viện ở đây. Theo nghiên cứu, việc học vẽ giúp kích hoạt não, qua đó giúp bệnh nhân sau tai biến, chấn thương não, trẻ chậm phát triển… cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, ngôn ngữ, giúp họ vui hơn trong cuộc sống”, tiến sĩ Lê Khánh Điền, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng – người sáng lập lớp vẽ cho biết.
Tại lớp luôn thường trực hai bác sĩ, y tá hỗ trợ bệnh nhân trong các tình huống vận động hoặc chuẩn bị giấy, màu, cọ…
“Hầu hết người vẽ ở đây đang tập vật lý trị liệu tại bệnh viện, cũng có trường hợp từ tỉnh khác lên hoặc trẻ chậm phát triển đến học. Mỗi tuần tôi sẽ thống kê người học và lên lịch hẹn, sắp xếp tình nguyện viên rồi bảo quản tranh của họ”, kỹ thuật viên Nguyễn Tạ Hồng Châu, khoa phục hồi chức năng cho biết.
Buổi thứ 5 tham gia lớp, ông Nguyễn Đỗ Hoàng Kha (57 tuổi, quận 7) vẫn vẽ bằng tay không thuận, do tay phải còn yếu chưa cử động được nhiều sau cơn tai biến một năm trước. Cùng với các bài tập trị liệu khác, sau một thời gian điều trị bằng phương pháp này, các ngón tay của ông linh hoạt, vẽ nhanh hơn buổi đầu.
Lớp vẽ hoàn toàn miễn phí, người tham gia được cung cấp đủ màu nước, cọ, giấy vẽ cùng nhiều bức tranh mẫu. Một số buổi, bệnh viện còn tổ chức lớp học thư pháp.
Mỗi buổi có 3-4 tình nguyện viên hỗ trợ, là sinh viên ngành mỹ thuật của trường đại học Sài Gòn và đại học Kiến trúc TP HCM. “Em giúp người học các bước vẽ căn bản như cầm cọ, phối màu. Nội dung tranh chủ yếu là phong cảnh với những bức vẽ đơn giản, ít chi tiết. Do bệnh nên mọi người thường vẽ chậm hơn, mất khoảng hai tiếng để xong bức tranh”, Lê Hiểu Lam cho biết, trong lúc chỉ người vẽ cách phối màu.
Với sự hướng dẫn của tình nguyện viên, ông Nguyễn Thế Dũng đang phối màu cho bức tranh chủ đề thiên nhiên bằng tay trái. Suốt 5 năm nay, ông đều đặn đi xe buýt từ nhà ở quận 5 lên bệnh viện để tập phục hồi chức năng đi lại, cầm nắm đồ vật, giao tiếp… và tham gia lớp vẽ vào cuối tuần.
Người đàn ông 50 tuổi cho biết, cơn tai biến khiến ông bị liệt nửa người. Sau thời gian điều trị với việc kết hợp nhiều bài tập giúp ông có thể tự đi lại được, nói dễ dàng hơn. Khi tham gia lớp vẽ, được gặp nhiều người cùng cảnh ngộ giúp ông có tinh thần lạc quan, không còn rụt rè, mặc cảm như trước.
Gắn bó với lớp từ những ngày đầu, ông Lê Cao Nguyên gần như không bỏ buổi học vẽ nào. Góc phải là bức tranh đầu tiên ông Nguyên vẽ hồi đầu năm 2014 đang được bệnh viện đóng khung lưu trữ.
Bị đột quỵ năm 2008 đến giờ vẫn để lại di chứng kéo dài, khiến ông còn khó khăn trong đi lại, nói chuyện. Ông đang điều trị phục hồi chức năng ở quê, mỗi tuần đều đi xe khách từ nhà ở Vũng Tàu lên bệnh viện An Bình học vẽ.
“Gắn bó với lớp từ lâu nên tôi không bỏ được, mỗi lần xong bức tranh tôi thấy hạnh phúc lắm, như vừa hoàn thành một mục tiêu của cuộc sống. Ở đây gặp nhiều người cũng giúp tôi tự tin trong giao tiếp hơn”, người đàn ông 60 tuổi nói.
Ông Hồ Đắc Thắng (59 tuổi, quận Thủ Đức) ngồi xe lăn trong ngày đầu tham gia lớp học vẽ tranh. Phía sau, người con rể chụp lại khoảnh khắc cha vợ cầm cọ.
“Trước tôi làm giáo viên cấp ba, dạy môn công nghệ nên thường vẽ kỹ thuật. Nay lần đầu được học vẽ mỹ thuật nên háo hức lắm, tôi chọn chủ đề tranh về một miền quê yên bình, mong cuộc sống mình cũng sớm như vậy”, ông Thắng nói.
Một bức tranh đơn giản hoàn thành sau một giờ học vẽ. Tùy theo tình trạng sức khỏe, mỗi người trong lớp mất khoảng 2-3 tiếng hoặc vài buổi để vẽ xong tác phẩm.
Lớp vẽ mỹ thuật kết thúc lúc 10h30, sau gần hai tiếng diễn ra. Tất cả tranh đều được bệnh viện ghi tên tác giả và giữ lại cẩn thận.
Một vài bức tranh nổi bật được treo trong hành lang bệnh viện. “Sắp tới bệnh viện sẽ tổ chức buổi triển lãm những tác phẩm này, qua đó mong muốn nhân rộng mô hình hội họa giao tiếp ở nhiều cơ sở y tế tại thành phố và các địa phương khác”, bác sĩ trưởng khoa Phục hồi chức năng cho biết.