Phục hồi sau rối loạn nuốt – Hành trình vượt qua nghịch cảnh

Ông N. Đ, 67 tuổi, quê ở Bình Thuận, trải qua cơn đột quỵ bất ngờ vào tháng 12/2022, sau khi nhập viện An Bình điều trị 2 đợt tại Đơn vị đột quỵ và Khoa Nội thần kinh với chẩn đoán: Nhồi máu não hành não cầu não (T) + cuống tiểu não (T), ông Đ đã xuất viện vào tháng 02/2023.

Sau đột quỵ, ông Đ không chỉ yếu nửa người phải mà còn mất khả năng nuốt, (nuốt sặc ngay cả với nước bọt của chính mình), nói không rõ và phải di chuyển bằng xe lăn. Có khoảng thời gian bệnh nhân thường chóng mặt, nấc cục, nôn ói nhiều, mệt mỏi, tồn đọng nhiều chất tiết trong khoang miệng, ho sặc, do vậy bệnh nhân chủ yếu là nằm, ít chịu di chuyển, ăn uống hoàn toàn qua ống ăn,, giọng khàn, yếu, không rõ. Chính vì thế, việc giao tiếp giữa ông Đ và gia đình rất hạn chế, khiến cho việc chăm sóc, trao đổi hằng ngày gặp nhiều khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, không vì khó mà bỏ cuộc. Suốt hơn 2 tháng nội trú và sau đó ngoại trú, ông Đ luôn kiên trì tập luyện, và vẫn tiếp tục tập luyện nói và ăn uống dưới sự hướng dẫn của tập thể chuyên gia và chuyên viên Âm ngữ tri liệu Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình.

Và rồi, “kỳ tích” đã xảy ra. Ông Đ nuốt được món ăn đầu tiên là món cháo xay, nói rõ ràng hơn, bắt đầu đi lại được trong thanh song song. Và dần dần, sau một thời gian điều trị phục hồi, ông Đ không chỉ có thể đi lại gần như độc lập, nói chuyện dễ dàng và rõ ràng theo ý muốn, mà còn có thể thưởng thức những bữa ăn do vợ nấu, có thể uống nước, một việc tưởng chừng như rất đỗi bình thường, nhưng đối với ông Đ nói riêng, và các bệnh nhân rối loạn nuốt nói chung, đó là một thử thách lớn để vượt qua và kết quả là niềm hạnh phúc rất khó để diễn tả bằng ngôn từ. Giọng nói của ông ngày càng rõ ràng, mối liên kết giữa ông và gia đình cũng như xã hội không còn bị ngăn cách bởi một rào cản vô hình của việc mất lời nói.

Hành trình phục hồi sau đột quỵ không hề dễ dàng, nhưng nó sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi có sự đồng hành và tình yêu của gia đình và chính bản thân người bệnh không bao giờ từ bỏ hy vọng. Một phần trong sự thành công này chính là sự phối hợp kịp thời giữa khoa Nội thần kinh,  Đơn vị đột quỵ và Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện An Bình đã đem lại kết quả tích cực cho bệnh nhân.

Chương trình được triển khai thực hiện tại Đơn vị Âm ngữ trị liệu 10 năm, từ năm 2013 đến nay. Sau khi  Khoa PHCN được thành lập từ 07/2022 đến nay với cơ sở vật chất mới, chương trình được triển khai thống nhất và thuận tiện hơn và đã thực hiện gần 7500 lượt điều trị, giúp hàng trăm người sau đột quỵ cải thiện được khả năng giao tiếp cũng như tiếp thêm năng lượng tích cực cho họ và gia đình trong cuộc sống.