Màu sắc của hạnh phúc: Sức mạnh chữa lành từ lớp học cắm hoa tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình

Lớp học cắm hoa cho người phục hồi chức năng là một cơ hội tuyệt vời để tạo ra một môi trường hỗ trợ và khích lệ cho những người đang phục hồi từ chấn thương hoặc bệnh tật. Ý nghĩa của lớp học này không chỉ là cung cấp cho họ kỹ năng cắm hoa mà còn là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng thể chất và tinh thần.

Hoạt động này không chỉ giúp họ phục hồi và củng cố lại các kỹ năng cần thiết mà còn là một cách để họ tìm lại niềm tin vào bản thân và khả năng tham gia vào xã hội.

Bệnh nhân H.N. trò chuyện “Bản thân tôi có nhiều việc căng thẳng lo lắng trong cuộc sống và hôm nay cũng có nhiều công việc tôi phải giải quyết, nhưng tôi quyết định đến đây tham gia lớp cắm hoa. Vì đến đây tôi có cơ hội giao tiếp trò chuyện vui vẻ với những người xung quanh và cắm hoa là sở thích của tôi mặc dù tôi cắm hoa không đẹp.”

Bệnh nhân S.M: “Tôi chưa bao giờ cắm hoa và vẽ tranh, con và cháu nội đều không tin là tôi có thể vẽ những bức tranh đẹp và cắm bình hoa rực rỡ. Kể từ khi tham gia Lớp Hội hoạ – Giao tiếp và lớp cắm hoa tại Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện An Bình, tôi cảm thấy có những thay đổi tích cực về sức khoẻ của mình cả về thể chất lẫn tinh thần.”

Tiến sĩ Lê Khánh Điền (Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình) chia sẻ: tham gia vào lớp học cắm hoa, người bệnh có thể tận hưởng niềm vui từ việc làm đẹp không gian cuộc sống bằng hoa, tạo ra những tác phẩm sáng tạo và thể hiện bản thân một cách tích cực. Đồng thời, việc gặp gỡ và kết nối với những người có cùng hoàn cảnh cũng giúp người bệnh cảm thấy sự hỗ trợ tương tác và đồng hành, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng thể chất và tinh thần.

Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình đang lên kế hoạch, để tổ chức lớp cắm hoa miễn phí đều đăn hơn định kì hàng tháng. Cùng với lớp Hội họa Giao tiếp trong lĩnh vực Âm ngữ trị liệu, lớp cắm hoa đang là một trong các đề án của Bệnh viện An Bình để áp dụng chương trình can thiệp dựa trên hoạt động có ý nghĩa (OBI: Occupation-Based Intervention). Chương trình này nhằm giúp các học viên thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng và khơi dậy cảm xúc tích cực, từ đó sẽ giúp họ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của bản thân và có thêm động lực để tham gia các hoạt động xã hội.