2PCBS – Triệu chứng chóng mặt

Trong cuộc sống hàng ngày, đôi lúc ta có cảm giác choáng váng, xây xẩm, chóng mặt trong ít phút, nghỉ ngơi thì trở lại bình thường, các triệu chứng biến mất. Nhưng cũng có lúc ta bị chóng mặt dữ dội, nôn ói, không thể ngồi dậy.

Các thuật ngữ: chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, lâng lâng, váng đầu, mất thăng bằng… là những từ mà người bệnh hay dùng để mô tả triệu chứng khi đi thăm khám với BS.

Xin nhấn mạnh, chóng mặt là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý hay một chẩn đoán.

Bệnh lý gì có thể gây ra chóng mặt?

Chóng mặt cấp tính, dữ dội, nôn, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo: nhìn một thành hai, nói đớ, yếu liệt tay chân, đau đầu mức độ trung bình trở lên…; gợi ý chóng mặt trung ương. Người bệnh cần nhập viện cấp cứu để BS chẩn đoán xem có phải nhồi máu não vùng thân não hoặc tiểu não hay không? và nếu đúng thì có chỉ định tiêu sợi huyết trong cửa sổ giờ vàng.

Chóng mặt tư thế kịch phát gây ra cơn chóng mặt dữ dội, người bệnh phải nằm yên, nhắm mắt, có thể kèm theo nôn, vã mồ hôi, da tái xanh… Nhưng thời gian cơn chóng mặt ngắn, vài giây hoặc vài phút; triệu chứng cải thiện khi người bệnh hạn chế thay đổi tư thế đầu và nhắm mắt. Tiên lượng chóng mặt tư thế kịch phát nhìn chung rất tốt, tuy nhiên những trường hợp chóng mặt dữ dội, nôn ói nhiều nên nhập cấp cứu để có phương pháp điều trị tích cực.

Một số bệnh nội khoa như suy tim, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thiếu máu toàn thân, tăng đường huyết, giảm đường huyết, tình trạng lo lắng…có thể làm cho người bệnh cảm giác xây xẩm, choáng váng, nhẹ đầu, lâng lâng…kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng; triệu chứng có thể nặng hơn khi tình trạng nội khoa không ổn định.

Tụt huyết áp tư thế có thể có triệu chứng nhẹ như: xây xẩm, choáng váng, chóng mặt, hoặc triệu chứng nặng như cảm giác muốn ngất. Các triệu chứng này thường xuất hiện khi thay đổi tư thế nhanh chóng từ nằm sang ngồi hoặc từ ngồi sang đứng.

Có xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý gây ra chóng mặt không?

Hiện nay chưa có bộ xét nghiệm nào dành riêng cho người bệnh chóng mặt. Để xác định bệnh lý gây ra chóng mặt, BS cần kết hợp phân tích bệnh sử do người bệnh cung cấp, thăm khám lâm sàng, từ đó chỉ định xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Chóng mặt nguy hiểm như thế nào?

Thứ nhất, chóng mặt chỉ là triệu chứng, tùy theo bệnh lý gây ra chóng mặt mà BS sẽ có tiên lượng khác nhau.

Ví dụ chóng mặt do đột quỵ não hố sau như chảy máu thân não, nhồi máu thân não…. Đây là những bệnh lý nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại di chứng tàn phế tùy theo vị trí tổn thương.

Ví dụ chóng mặt tư thế kịch phát, mặc dù triệu chứng chóng mặt dữ dội, tuy nhiên cơn chóng mặt ngắn và người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn.

Thứ hai, triệu chứng chóng mặt có thể đi kèm với các triệu chứng xô đẩy, ảo giác thị giác di chuyển tới lui, gây ra mất thăng bằng và người bệnh có thể bị té ngã chấn thương.

Cần những lưu ý gì cho người bệnh gặp triệu chứng chóng mặt

Thứ nhất: tránh thay đổi tư thế nhanh, đột ngột: từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng.

Thứ hai: không ngồi chồm hổm, vì khi ngồi chồm hổm, áp lực mạch máu ở hai chân tăng lên, khi người bệnh đứng dậy nhanh, theo trọng lực, máu bị dồn xuống hai chân và giảm ở phần thân trên, gây ra tụt huyết áp tư thế với các triệu chứng xây xẩm, hoa mắt, muốn ngất.

Thứ ba: không thay đổi môi trường đột ngột: từ phòng lạnh ra ngoài nhiệt độ cao, từ trong nhà ra ngoài trời có nhiệt độ cao…

Thực hiện: Khoa Nội thần kinh/Tổ truyền thông