Loãng xương là một bệnh rất thường gặp trong cuộc sống ngày nay… Vậy nguyên nhân, triệu chứng của bệnh lý này là như thế nào? Và tại sao phương pháp đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA là phương pháp hữu hiệu và an toàn? Tất cả sẽ có trong chương trình 2 phút cùng Bác sĩ tuần này, với sự chia sẻ của BS. Châu Chí Đạt, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện An Bình
1. Loãng xương là gì? Và độ tuổi nào thường có nguy cơ loãng xương
• Loãng xương là một bệnh đặc trưng bởi khối lượng xương thấp, sự suy giảm mô xương và phá vỡ cấu trúc của xương.. Khi chúng ta già đi, quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn và sự phát triển xương mới cũng chậm hơn. Theo thời gian, xương của con người có thể yếu đi và nguy cơ loãng xương tăng lên. Do đó, nó có thể dẫn đến giảm sức mạnh của xương khiến người mắc bệnh dễ bị gãy xương
• Theo số liệu thống kê thì số lượng bệnh nhân loãng xương trên toàn thế giới khoảng hơn 200 triệu người. Hàng năm, có khoảng 9 triệu người bệnh bị gãy xương do loãng xương. Tại Việt Nam, các thống kê cho thấy có khoảng 3 triệu người bị loãng xương, trong đó 75% là nữ giới. Có khoảng 30-40% phụ nữ sau mãn kinh mắc loãng xương. Tỷ lệ này đang tăng lên do sự già hóa dân số và thay đổi trong lối sống.
• Đối tượng nguy cơ: Phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt sau mãn kinh, là nhóm có nguy cơ cao nhất. Nam giới cũng có nguy cơ, nhưng tỷ lệ thấp hơn, khoảng 10-20% ở những người trên 60 tuổi.
• Ngoài nguyên nhân thường gặp là do mãn kinh và lớn tuổi nêu trên, còn có các yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn uống thiếu canxi và vitamin D, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc lá, di truyền và mắc các bệnh nội khoa khác đều ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.
• Hậu quả: Loãng xương có thể dẫn đến các gãy xương nghiêm trọng, đặc biệt là ở vùng hông, cột sống và cổ tay, làm giảm chất lượng cuộc sống và gia tăng tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi.
2. Loãng xương đang ngày càng trẻ hóa :
Tỷ lệ mắc bệnh loãng xương ở người trẻ đang tăng lên, hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi 20-40 đã bắt đầu có triệu chứng loãng xương, nguyên nhân có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau:
a. Chế độ ăn uống không hợp lý: Nhiều người trẻ có chế độ ăn thiếu hụt canxi và vitamin D, hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển và duy trì sức khỏe của xương.
b. Ít vận động: Lối sống ít vận động, đặc biệt là thời gian dài ngồi trước màn hình (máy tính, điện thoại) làm giảm khả năng chịu lực của xương, dẫn đến suy giảm mật độ xương.
c. Stress và áp lực tâm lý: Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, bao gồm cả sức khỏe xương.
d. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu, và sử dụng các chất kích thích khác có thể làm giảm sức khỏe xương.
e. Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc (như corticosteroids) có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mật độ xương nếu sử dụng trong thời gian dài.
f. Di truyền: Nếu trong gia đình có tiền sử mắc loãng xương, nguy cơ mắc bệnh có thể cao hơn.
g. Bệnh lý tiềm ẩn: Một số bệnh lý nội tiết hoặc chuyển hóa cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương ở người trẻ.
3. Các biểu hiện thường gặp của bệnh loãng xương là gì ?
– Bệnh loãng xương hay còn gọi là giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật đọ chất trong xương ngày càng thưa dần dẫn đến xương giòn hơn, dễ tổn thương và gãy dù chỉ chấn thương nhẹ.
– Gãy xương có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào, thường gặp ở chấn thương cột sống, xương đùi, xương cổ tay.
– Bệnh loãng xương diễn tiến thầm lặng, thông thường người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống và thường chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Tình trạng loãng xương ngày càng nặng khi người bệnh lớn tuổi.
– Để đánh giá chẩn đoán bệnh loãng xương, ngoài các xét nghiệm máu và nước tiểu, phương pháp đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA là phổ biến nhất
4. Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA
Đo loãng xương hay Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry) là kỹ thuật sử dụng tia X năng lượng kép để đo lượng khoáng chất trong xương, cụ thể là mật độ khoáng chất xương. Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA là phương pháp chẩn đoán loãng xương hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay.
5. Đặc điểm nổi bật của phương pháp DEXA
• Độ chính xác cao: phương pháp DEXA cho kết quả có độ chính xác cao, sai số chỉ 1%.
• An toàn: Liều lượng tia X sử dụng trong DEXA rất thấp, ít hơn 1/10 so với chụp X-quang ngực tiêu chuẩn.
• Nhanh chóng: Quá trình đo và trả kết quả chỉ mất 5 – 10 phút
• Đơn giản: Không cần gây mê, không cần nhịn ăn, không đau, không xâm lấn.
• Có thể đo được mật độ xương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể: Cột sống thắt lưng, cổ xương đùi, cẳng tay, toàn thân,…
• Có thể theo dõi sự thay đổi mật độ xương theo thời gian: Giúp đánh giá hiệu quả điều trị loãng xương
6. Một số khuyến nghị về tần suất do mật độ xương bằng phương pháp DEXA
– Phụ nữ sau mãn kinh: Nên đo 1 năm/lần
– Phụ nữ và nam giới trên 60 tuổi: Nên đo 1 năm/ lần.
– Người có tiền sử gãy xương: Nên đo 1 năm/ lần.
– Người đang sử dụng thuốc điều trị loãng xương: Nên đo theo hướng dẫn của bác sĩ.
7. Phòng ngừa loãng xương:
– Phòng ngừa: Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị cần tăng cường giáo dục sức khỏe, cải thiện chế độ dinh dưỡng và khuyến khích hoạt động thể chất để phòng ngừa loãng xương.
Thực hiện: Khoa Chẩn đoán hình ảnh/Tổ truyền thông