Sỏi túi mật là gì và triệu chứng ra sao?
Sỏi túi mật là hiện tượng hình thành các viên sỏi bên trong túi mật, một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới gan. Túi mật có chức năng lưu trữ và giải phóng dịch mật giúp tiêu hóa chất béo. Khi có sự mất cân bằng trong thành phần dịch mật sẽ tạo thành sỏi.
Về triệu chứng, không phải ai bị sỏi túi mật cũng có biểu hiện rõ ràng. Nhiều người mang sỏi nhưng không hề biết cho đến khi tình cờ phát hiện qua siêu âm. Tuy nhiên, nếu sỏi gây tắc nghẽn hoặc viêm túi mật, bệnh nhân sẽ có thể gặp phải một số triệu chứng đặc trưng.
Đầu tiên là đau bụng, thường đau ở vùng dưới sườn phải, có thể lan lên lưng hoặc vai. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn nhiều chất béo và có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi, và trong một số trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị sốt và vàng da.
Nguyên nhân và những ai dễ bị sỏi túi mật?
Sỏi túi mật hình thành chủ yếu do rối loạn cân bằng trong dịch mật. Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị sỏi túi mật.
- Đầu tiên, giới tính và tuổi tác là yếu tố quan trọng. Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ cao hơn.
- Thứ hai là chế độ ăn uống, những người ăn nhiều chất béo, ít chất xơ dễ mắc sỏi túi mật hơn.
- Thứ ba, thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng vì lượng cholesterol trong cơ thể cao, dẫn đến dễ hình thành sỏi.
- Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò, nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh sỏi túi mật, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao hơn.
Lưu ý cho người bị sỏi túi mật và chế độ ăn uống
Đối với những người đã được chẩn đoán có sỏi túi mật, điều chỉnh chế độ ăn uống là yếu tố rất quan trọng. Nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, đồ chiên xào và thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây tươi, và ngũ cốc nguyên hạt. Uống đủ nước hàng ngày cũng giúp giảm nguy cơ hình thành thêm sỏi.
Bên cạnh đó, duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và tập thể dục đều đặn cũng giúp giảm nguy cơ tiến triển bệnh.
Sỏi túi mật kích thước bao nhiêu là nguy hiểm
Sỏi túi mật có thể được phát hiện từ 2 – 3mm đến 1- 2 cm. Ở bất kì kích thước nào đều có nguy cơ tắc nghẽn ống cổ túi mật gây ra sỏi túi mật có triệu chứng hoặc viêm túi mật cấp, dẫn đến cần phải chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, đặc biệt đối với sỏi càng nhỏ (2-3 mm) có thể gây thêm biến chứng viêm tụy cấp kèm theo, rất nguy hiểm.
Khi nào cần phẫu thuật?
Không phải trường hợp sỏi túi mật nào cũng cần phẫu thuật. Nếu sỏi không gây triệu chứng hoặc gây khó chịu nhẹ, chúng ta có thể theo dõi và duy trì chế độ ăn uống phù hợp. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị đau bụng có nghĩa là bạn có thể mắc bệnh sỏi túi mật có triệu chứng thì đây là chỉ định cần phải can thiệp phẫu thuật
Hoặc sỏi túi mật có biến chứng , sỏi gây viêm nhiễm hoặc tắc nghẽn ống mật gây viêm túi mật cấp, phẫu thuật cắt bỏ túi mật sẽ là giải pháp tối ưu.
Phẫu thuật cắt túi mật hiện nay được thực hiện qua phương pháp nội soi, rất an toàn và ít gây đau đớn, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng và ngăn ngừa tái phát bệnh.
Thực hiện: Khoa Ngoại tổng hợp/Tổ truyền thông