Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) hay còn gọi COPD là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Đây là bệnh lý đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (như khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở và/hoặc phế nang gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển do phơi nhiễm với khí độc hại như: khói thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm không khí. Nguyên nhân chính gây BPTNMT là hút thuốc lá (khoảng 80%), bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nguy hiểm như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới,BPTNMT là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong (chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ) và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Ở Việt Nam, cứ 100 người > 40 tuổi thì có 4 người bị BPTNMT. Vì vậy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội như mất sức lao động, tăng chi phí điều trị, nhập viện tốn thêm người nuôi,…
Những biểu hiện của Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh nhân bị BPTNMT sẽ có các triệu chứng sau:
– Ho, khạc đàm kéo dài trong nhiều tháng. Lúc đầu có thể chỉ có ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng.
– Khó thở, tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân “phải gắng sức để thở”, “khó thở, nặng ngực”, “cảm giác thiếu không khí, hụt hơi” hoặc “thở hổn hển”, thở khò khè. Người bị BPTNMT nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạn chế trong công việc, lao động, sinh hoạt vì khó thở. Ngòai ra, nếu không điều trị, người bị BPTNMT sẽ có những đợt nặng gọi là đợt kịch phát, làm khó thở nhiều hơn có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ thăm khám nghe phổi, dựa vào các triệu chứng lâm sàng , hình ảnh học như Xquang và quan trọng nhất là HÔ HẤP KÍ của bệnh nhân để chẩn đoán BPTNMT HÔ HẤP KÍ là một cận lâm sàng giúp đánh giá tình trạng đường thở hiện tại của bệnh nhân.
Những ai nên được đo hô hấp ký?
BPTNMT thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như nam giới lớn hơn 40 tuổi, hút thuốc lá, làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi,… nên đi khám chuyên khoa Hô hấp ngay khi có các triệu chứng: ho khạc kéo dài, khó thở khi gắng sức để được làm các xét nghiệm chẩn đoán và đo hô hấp kí kiểm tra.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính điều trị như thế nào?
Hiện nay, y khoa chưa chữa khỏi hoàn toàn BPTNMT nhưng có thể làm:
– Giảm triệu chứng.
– Chậm quá trình tổn thương phổi.
– Cải thiện khả năng gắng sức nâng cao chất lượng cuộc sống.
– Ngăn ngừa và điều trị biến chứng
Biện pháp không dùng thuốc.
– Cai thuốc lá, thuốc lào, tránh cả khói thuốc thụ động: Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo một số nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa COPD là nói không với hút thuốc lá (chủ động và thụ động)
– Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm:Bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu…, là những tác nhân khiến các triệu chứng COPD xấu đi. Cần luôn giữ cho không khí ở nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.
– Thời tiết thay đổi:Những thay đổi về nhiệt độ và thời tiết có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Không khí lạnh, khô hoặc nóng có thể gây bùng phát các triệu chứng COPD. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trở gió, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài.
– Tiêmngừa vaccin cúm và phế cầu:Nhiễm trùng đường hô hấp rất nguy hiểm đối với những người bị COPD vì nó ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp. Một số yếu tố lây nhiễm, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm, có thể làm cho tình trạng khó thở, ho khan và thở khò khè trở nên tồi tệ hơn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa COPD là giảm nguy cơ nhiễm trùng. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nên rửa tay thường xuyên và đảm bảo rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết.
– Người bệnh COPD nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ… ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức…
– Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì nên đi khám bệnh ngay.
Biện pháp dùng thuốc – Thuốc giãn phế quản đường hít, xịt hay phun khí dung có tác dụng giãn phế quản cần được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng cụ thể từng trường hợp bệnh.
Thực hiện: Khoa Nội Hô hấp/Tổ truyền thông