Dây rốn là một “sợi dây sinh mệnh” của em bé khi còn nằm trong tử cung của người mẹ. Chạy từ bụng của em bé đến nhau thai, dây rốn thường chứa 3 mạch máu ( 2 động mạch – 1 tĩnh mạch) và dài khoảng 6.4 m. Nó cung cấp oxy, máu, và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Tuy nhiên, trong những tháng cuối của thai kỳ, nhiều thai phụ có ý nghĩ lo sợ về việc dây rốn quấn quanh cổ em bé liệu có ảnh hưởng đến quá trình sinh nở hoặc thậm chí gây nên thai chết lưu hay không? Xin hãy thở phào nhẹ nhõm.
Dây rốn quấn cổ là một hiện tượng rất phổ biến và ít có khả năng gây ra vấn đề trong khi mang thai hoặc khi sinh. Ước tính rằng, cứ 100 ca sinh, thì có đến 20-30 ca là có dây rốn quấn cổ. Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Sản – Phụ khoa Hoa Kỳ báo cáo rằng, đa số các trường hợp, em bé vẫn ổn khi có tồn tại dây rốn quấn cổ.
Điều gì gây ra dây quấn cổ?
Chuyển động ngẫu nhiên của em bé trong bụng mẹ là nguyên nhân chính gây ra dây rốn quấn cổ. Một vài yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ như: dây rốn quá dài hoặc nước ối dư thừa (đa ối) cho phép thai nhi di chuyển trong bụng mẹ nhiều hơn.
Dây rốn quấn cổ thường được phát hiện trong lúc sinh. Đôi lúc, siêu âm vẫn có thể thấy. Hiện nay, không có cách nào để ngăn chặn dây rốn quấn cổ hoặc tháo vòng quấn ra khỏi cổ em bé trong bụng mẹ. Nhưng, khi em bé được sinh ra với dây rốn quấn quanh cổ, bác sĩ của bạn sẽ biết cách giải quyết bởi vì nó xảy ra quá thường xuyên.
Dây rốn quấn quanh cổ có nguy hiểm?
Nếu dây rốn quấn quanh cổ hoặc một bộ phận cơ thể khác, lưu lượng máu qua dây rốn bị vướng có thể bị giảm trong các cơn co thắt tử cung. Điều này có thể khiến nhịp tim của bé rớt xuống trong các cơn co thắt. Trước khi sinh, nếu dòng máu bị cắt đứt hoàn toàn, thai chết lưu có thể xảy ra.
Trong nghiên cứu năm 2018, 12% ca sinh nở có dây rốn quấn cổ. Hầu hết các em bé có dây rốn chỉ có một vòng duy nhất quanh cổ. May mắn thay, không có nguy cơ gia tăng đối với các vấn đề tăng trưởng, thai chết lưu hoặc điểm Apgar thấp hơn trong nhóm này.
Điều gì xảy ra trong quá trình sinh nở?
Vì phần lớn trường hợp các bác sĩ không biết là em bé sẽ có dây rốn quấn cổ hay không, nên họ sẽ kiểm tra thường quy cổ bé để tìm dây rốn quấn cổ sau khi đầu bé được sổ ra ngoài. Thông thường, dây bị lỏng và có thể trượt qua đầu bé. Đôi khi nó có thể quá chặt để tháo ra khỏi cổ, và bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ kẹp và cắt dây rốn trước khi vai bé được sổ. Điều này giữ cho dây rốn không bị rách ra khỏi nhau thai khi phần còn lại của cơ thể bé được sổ ra ngoài.
Tóm lại, hãy nhớ rằng, dây rốn quấn cổ là tình trạng rất phổ biến, và các biến chứng gây ra bởi dây rốn quấn cổ là rất hiếm khi xảy ra.
Nguồn tham khảo: //utswmed.org/medblog/nuchal-cord-during-pregnancy/