Cúm là gì? Bệnh cúm lây truyền như thế nào?
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus), rất dễ lây nhiễm. Chúng ta có thể mắc cúm khi hít phải những giọt bắn tạo ra khi người bệnh cúm ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc khi tay chúng ta chạm phải những bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng của mình.
Triệu chứng bệnh cúm là gì?
Triệu chứng thường gặp bệnh cúm bao gồm: Sốt, ho, đau họng, sổ mũi, đau nhức cơ, đau đầu, mệt mỏi. Một số ít có thể kèm nôn ói hoặc tiêu chảy.
Bệnh cúm có nghiêm trọng hay không?
Hầu hết những người nhiễm cúm sẽ hồi phục trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, một vài người có thể bị biến chứng của bệnh cúm bao gồm viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não và suy đa cơ quan. Những biến chứng này rất nặng nề và có thể gây tử vong.
Đối tượng nào sẽ có nguy cơ nhiễm cúm nặng
Những đối tượng có nguy cơ cao có biến chứng nặng do bệnh cúm bao gồm: người lớn tuổi > 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người có bệnh lý mạn tính ví dụ hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch,… phụ nữ có thai, người béo phì, người suy giảm miễn dịch.
Điều trị
Đa số bệnh nhân nhiễm cúm chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà, uống nhiều nước, có thể dùng Paracetamol để điều trị triệu chứng sốt, đau mỏi cơ. Nhóm BN thuộc đối tượng nguy cơ cao biến chứng nặng do cúm hoặc người có triệu chứng nghiêm trọng bao gồm: khó thở, đau ngực, chóng mặt, lú lẫn, co giật, bí tiểu, đau cơ nghiêm trọng, sốt hoặc ho không giảm cần đến bệnh viện để được BS thăm khám.
Phòng ngừa
Biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm cúm là chủng ngừa cúm mỗi năm. Đặc biệt trên những đối tượng:
- Người lớn tuổi (trên 65 tuổi).
- Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
- Người có bệnh lý mạn tính.
- Phụ nữ có thai,
- Nhân viên y tế và và những người chăm sóc người có nguy cơ cao bị biến chứng từ cúm.
Ngoài ra, cần kết hợp những biện pháp khác bao gồm:
- Mang khẩu trang
- Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng
- Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng
- Tránh tiếp xúc gần với người đang bị cúm
- Khi ho hoặc hắt hơi, nên sử dụng khăn giấy để che mũi và miệng, sau đó vứt bỏ khăn giấy và rửa tay ngay.
Thực hiện: Khoa Hô hấp/Tổ truyền thông