Bác sĩ Trần Hoàng Nhựt
Khoa Ngoại Tổng quát – Bệnh viện An Bình
- Sỏi hệ niệu LÀ GÌ ?
Sỏi hệ niệu là những vật thể cứng, được tạo thành từ hàng triệu tinh thể nhỏ. Hầu hết sỏi đường tiết niệu hình thành bên trong thận, tại hệ thống ống thu thập nước tiểu. Sỏi thận có thể nhỏ như hạt cát nhưng thường có kích thước lớn hơn.
Chức năng của thận là duy trì sự cân bằng nước và các chất điện giải trong cơ thể. Nước tiểu là kết quả của quá trình này và được bài tiết từ thận. Trong những điều kiện nhất định, các chất hòa tan trong nước tiểu như canxi, oxalat, phosphat trở nên quá đậm đặc, từ đó lắng đọng dưới dạng tinh thể. Sỏi thận hình thành khi các tinh thể này dính với nhau, tích tụ thành một khối.
Theo thành phần hóa học, sỏi hệ niệu được chia thành 4 loại như sau[8]:
- Sỏi Canxi: hầu hết sỏi hệ niệu được hình thành từ canxi và oxalat do tình trạng tăng lượng canxi bài tiết ra nước tiểu. Nguyên nhân của tình trạng này do chế độ ăn của người bệnh chứa quá nhiều canxi trong khẩu phần hoặc người bệnh hấp thụ canxi quá nhiều từ xương của họ. Hoặc ở một số bệnh nhân, thận không điều hòa được lượng canxi bài tiết ra nước tiểu, dẫn đến lượng canxi nước tiểu tăng cao. Ngoài ra, tăng oxalat cũng là tác nhân tạo sỏi. Lượng oxalat trong nước tiểu tăng cao là kết quả của những bệnh lý gây viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng… hoặc do phẫu thuật đường ruột trước đó. Sỏi canxi phosphat ít gặp hơn và thường hình thành do bệnh nhân bị nhiễm toan ống thận.
- Sỏi struvite: là sỏi gồm hỗn hợp các thành phần: magiê, nhôm, phosphat, canxi cacbonat. Nguyên nhân hình thành từ nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm loại vi khuẩn có thể tạo ra amoniac như Proteus… Amoniac làm tăng độ pH của nước tiểu gây kiềm hóa nước tiểu, thúc đẩy sự hình thành sỏi struvite.
- Sỏi urat (axit uric): axit uric được tạo ra khi cơ thể chuyển hóa protein. Khi độ pH giảm xuống dưới 5,5 (toan hóa nước tiểu), nước tiểu sẽ bão hòa axit uric và sỏi urat có thể hình thành. Tăng axit uric niệu thường gặp ở người ăn nhiều thịt đỏ, thịt gia cầm hoặc những người bị bệnh gút.
- Sỏi cystine: rất hiếm gặp và chỉ hình thành ở những người mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa, gây tăng lượng cystine bài tiết ra nước tiểu.
- Sỏi hệ niệu ĐƯỢC chẩn ĐOÁN như thế NÀO?
Hầu hết người bệnh được chẩn đoán sỏi thận sau một cơn đau dữ dội. Cơn đau xảy ra khi sỏi thận từ nhú thận, rơi vào hệ thống ống thu thập nước tiểu. Khi đó, viên sỏi sẽ gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu, dẫn đến cơn đau dữ dội gọi là cơn đau quặn thận (cơn đau bão thận). Cơn đau xuất phát từ vùng hông lưng, có thể lan xuống vùng hố chậu, bẹn hoặc vùng đùi trong. Triệu chứng kèm theo hay gặp là tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiểu, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, buồn nôn hoặc nôn[8].
Để chẩn đoán bệnh lý sỏi thận, đầu tiên người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng đầy đủ. Các triệu chứng hiện tại, tiền căn sỏi thận trước đây, bệnh lý kèm theo, thuốc đang dùng, tiền sử gia đình đều sẽ được ghi nhận. Khám lâm sàng để phát hiện những dấu hiệu của sỏi thận như ấn đau vùng hông lưng, vùng hố chậu hay bẹn.
Người bệnh được xét nghiệm nước tiểu nhằm xác định có máu trong nước tiểu hay nhiễm trùng tiểu hay không. Đồng thời cũng được xét nghiệm máu để đo chức năng thận và công thức máu.
Siêu âm bụng và chụp X-quang bụng đứng không sửa soạn (KUB) là hình ảnh học quan trọng trong chẩn đoán sỏi thận. Trong một số trường hợp khó, người bệnh sẽ cần chụp cắt lớp vi tính hệ niệu (CT-scan) để hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán xác định[8].
Trong nhiều trường hợp, sỏi thận không gây ra bất cứ triệu chứng gì. Người bệnh phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hoặc đến khám vì bệnh lý khác. Tuy không gây đau nhưng sỏi thận “im lặng” có thể gây nhiễm trùng tiểu kéo dài, tiểu ra máu hoặc nguy hiểm hơn là suy thận.
*Tài liệu tham khảo:
1. Kidney and ureteral stones, Patient Information.
2. Remedies for The 5 Most Common Types of Kidney Stones – Kidney Atlas, //www.kidneyatlas.org/.
3. “X Ray Image Right Nephrolithiasis Renal Stock Photo 2064038633“, Shutterstock.
4. “Figure 1A -Grey scale ultrasound of stone in the left middle ureter…“, ResearchGate.
5. “What Are Calcium Oxalate Crystals?“, Kidney C.O.P.
6. Charnow J.A. (2019), “CT Scans Overused in Emergency Departments for Kidney Stone Imaging“, Renal and Urology News.
7. “Ultrasound-guided PCNL: innovation comes with patient safety and treatment efficacy, NOT radiation exposure“, The Chi Laboratory.
8. “Kidney Stones“, Johns Hopkins Medicine.