- Phòng ngừa sỏi thận bằng cách nào?
Nếu người bệnh đã từng bị sỏi thận, trong tương lai có thể bị sỏi thận tái phát. Để phòng ngừa sỏi thận hình thành, cần xác định được nguyên nhân sinh ra sỏi của người bệnh và bắt đầu điều trị từ chính nguyên nhân đó.
Thành phần hóa học của sỏi là thông tin quan trọng giúp đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp với từng loại sỏi. Do đó, sỏi từ người bệnh sau khi được lấy ra khỏi cơ thể sẽ được bác sĩ gửi đi phân tích thành phần hóa học[1].
* Những nguyên nhân tạo sỏi thường gặp và cách điều trị:
- Lượng nước tiểu hằng ngày ít
Cần tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể bằng cách uống nhiều nước. Mục tiêu là đi tiểu nhiều hơn 2 lít nước tiểu mỗi ngày. Tất cả chất lỏng khác cũng được tính vào mục tiêu này nhưng uống nước vẫn là tốt nhất[1].
- Quá nhiều canxi trong nước tiểu
Có những cách điều trị sau:
- Thuốc lợi tiểu Thiazide
Thuốc này giúp giảm bài tiết canxi qua nước tiểu, từ đó giảm lượng canxi có trong nước tiểu của người bệnh. Ngoài ra, lợi tiểu Thiazide giúp giữ canxi ở trong xương, làm giảm nguy cơ loãng xương. Tuy nhiên, có một tác dụng phụ cần lưu ý là mất kali, trong một số trường hợp, người bệnh cần uống bổ sung thêm kali.
- Giảm ăn mặn
Chế độ ăn càng nhiều muối thì lượng canxi đào thải ra nước tiểu càng nhiều. Do đó, mục tiêu là người bệnh tiêu thụ dưới 2 gram muối mỗi ngày. Cần hạn chế thức ăn nhanh, đồ hộp, nước ngọt và nước tăng lực.
- Không cần hạn chế canxi trong chế độ ăn
Người bệnh bị sỏi thận canxi không cần hạn chế lượng canxi tiêu thụ mỗi ngày. Ngược lại, cơ thể cần canxi trong chế độ ăn để phòng ngừa loãng xương. Cần tiêu thụ 2 khẩu phần sữa (tương đương 800 – 1200mg/ngày) hoặc bổ sung các thực phẩm giàu canxi để duy trì lượng canxi dự trữ trong xương.
Đối với những người bệnh bị sỏi canxi oxalat, cần đảm bảo đầy đủ canxi trong chế độ ăn vì canxi và oxalat sẽ liên kết với nhau trong ruột và được loại bỏ khỏi cơ thể khi đại tiện. Nếu không có đủ canxi kết hợp với oxalat, oxalat được được ruột hấp thu và đi vào nước tiểu, góp phần tạo nên sỏi canxi oxalat.
- Tăng cường uống nước
Bất kể nguyên nhân tạo sỏi là gì, người bệnh cần uống đủ nước để đi tiểu ít nhất 2 lít mỗi ngày[1].
- Quá ít citrat trong nước tiểu
Citrat là chất có tác dụng liên kết với canxi trong nước tiểu, ngăn không cho canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat để tạo sỏi. Nếu nồng độ kali máu thấp, người bệnh sẽ được uống bổ sung kali citrat. Nếu nồng độ kali máu cao, người bệnh sẽ được uống bổ sung natri citrat như Bicitra hoặc Natri bicarbonat. Ngoài ra, uống nước cam, nước chanh cũng giúp tăng lượng citrat có trong nước tiểu[1].
- Quá nhiều oxalat trong nước tiểu
Chế độ ăn hạn chế oxalat: cần hạn chế những thực phẩm có hàm lượng oxalat đặc biệt cao. Nếu đã ăn nhiều thực phẩm có chứa oxalat, cần uống thêm 1 – 2 ly nước để loại bỏ lượng oxalat dư thừa.
Không cần hạn chế canxi trong chế độ ăn: oxalat và canxi liên kết với nhau trong ruột và được đào thải qua phân. Nếu không có đủ canxi nạp vào, lượng oxalat dư thừa sẽ được hấp thu vào máu và thải qua nước tiểu, góp phần hình thành sỏi canxi oxalat.
Cần uống đủ nước để đi tiểu ít nhất 2 lít / ngày[1].
- Quá nhiều axit uric trong nước tiểu
Giảm chất đạm trong chế độ ăn: tiêu thụ 340 gram mỗi ngày đối với thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm và cá.
Uống thuốc Allopurinol: nếu chế độ ăn hạn chế đạm không hiệu quả thì người bệnh có thể uống Allopurinol. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn quá trình chuyển đổi purin thành axit uric, qua đó giảm nồng độ axit uric trong nước tiểu.
Cần uống đủ nước để đi tiểu ít nhất 2 lít / ngày[1].
- Độ pH nước tiểu thấp (nồng độ axit trong nước tiểu cao)
Bổ sung thêm citrat: Uống bổ sung các chất như kali citrat, natri bicarbonat sẽ làm tăng độ pH của nước tiểu, từ đó làm cho sỏi có chứa axit uric (sỏi urat) ít có khả năng hình thành.
Hạn chế đạm trong chế độ ăn: chế độ ăn giàu đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu.
Cần uống đủ nước để đi tiểu ít nhất 2 lít 1 ngày[1].
- Khi nào cần điều trị sỏi thận?
Khi sỏi thận gây đau đến mức không thể kiểm soát cơn đau bằng thuốc giảm đau đường uống thì cần điều trị. Tương tự, sỏi thận cần điều trị khi gây buồn nôn, nôn ói nặng. Mặt khác, một số sỏi thận gây sốt, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nặng hơn là nhiễm trùng máu thì cần điều trị ngay lập tức. Ngoài ra, sỏi thận ở những người có thận đơn độc hoặc chức năng thận suy giảm hoặc gây tắc nghẽn hoàn toàn đường tiểu thì cần được điều trị.
Một số sỏi thận có kích thước nhỏ, cơ thể có thể tự đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên, sỏi > 5mm khó có thể thải qua đường tự nhiên và cần xem xét trị liệu[1].
- Nếu sỏi thận không gây ra triệu chứng gì, người bệnh có cần điều trị không?
Sỏi thận nhỏ hơn 5mm và không gây đau có thể rơi xuống bàng quang và được người bệnh tiểu ra ngoài mà không cần điều trị gì. Người bệnh sẽ được siêu âm bụng hoặc chụp X-quang bụng định kỳ để kiểm tra diễn tiến của sỏi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do cần điều trị sỏi thận không triệu chứng [1]:
- Nhiễm trùng đường tiểu tái đi tái lại: sỏi thận là nguồn gốc gây nhiễm trùng. Mặc dù người bệnh được điều trị kháng sinh thích hợp nhưng vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn vi trùng khỏi viên sỏi. Khi đó, cách tốt nhất là can thiệp loại bỏ sỏi thận khỏi cơ thể.
- Sỏi san hô: đây là những viên sỏi cực lớn tạo thành hình san hô chiếm hoàn toàn bể thận và các đài thận. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến suy thận sau này.
- Do yêu cầu nghề nghiệp: như phi công…
- Do mong muốn của người bệnh.
- Có những phương pháp điều trị sỏi thận nào?
Ngày xưa, mổ hở lấy sỏi là phương pháp chiếm ưu thế, cần thời gian nằm viện và phục hồi kéo dài. Những năm gần đây, với sự tiến bộ trong y học, các phương pháp điều trị sỏi thận ít xâm lấn hoặc không xâm lấn ngày càng phát triển và thay thế dần mổ hở truyền thống.
Có 3 phương pháp ít xâm lấn phổ biến tại Việt Nam là tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), tán sỏi qua nội soi và lấy sỏi qua da (PCNL). Chúng tôi sẽ thảo luận về 3 phương pháp này trong các bài viết tiếp theo[1].