Xử trí sai dẫn đến hoại tử
Bác sĩ (BS) Nguyễn Hoàng Duy – Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình Bệnh viện (BV) An Bình – cho biết, trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân đến khám. Trong đó, có rất nhiều trường hợp bị chấn thương nhẹ, nhưng bệnh nhân và người nhà đã xử lý sai như chườm nóng, bó thuốc… khiến vùng da bị hoại tử, nhiễm trùng. Thậm chí, có nhiều người bị rách, đứt dây chằng nhưng cứ nghĩ bị chấn thương nhẹ nên để kéo dài khiến tổn thương trở nên nặng nề và điều trị phức tạp hơn.
Sáng 29/5, bà Nguyễn Thị H., (ở Q.8) đi cà nhắc vào khu khám chấn thương chỉnh hình BV An Bình với bàn chân phải băng dày cộp. Vào gặp BS, bà tháo băng đến… mấy chục lớp, để lộ bàn chân sưng to và da đã chuyển sang màu đen.
Bà kể: “Tôi chạy xe, bàn chân bị quệt vô chân chống xe bên cạnh, thấy nhẹ nên tôi thoa dầu nóng, bó thuốc nam ba ngày nay mà sao nó sưng, nóng và đau không chịu nổi”. BS Nguyễn Hoàng Duy xem kỹ vết thương của bà H. rồi giải thích: “Cô xử lý vậy là sai rồi, giờ chân cô có dấu hiệu hoại tử”.
Bệnh nhân bị té ngã đến khám ở Bệnh viện An Bình. |
Bà H. kể rằng khi về nhà, bà thoa dầu cù là cảm thấy dễ chịu nên cách 15 phút bà thoa một lần. Đến tối, thấy chân bắt đầu sưng, bà lấy gừng, muối xào lên rồi đổ rượu trắng vô bó chặt – bài thuốc mà bà học được từ người bác họ trị trật tay chân ở quê.
Để “thuốc” phát huy tác dụng, bà bó ngay sau khi vừa xào xong và ép chặt mấy chục lớp. Sau khi bó thuốc, bà thấy vết thương không còn đau, mà chỉ có sự ấm nóng của thuốc. Bà yên tâm đi ngủ và nghĩ sáng hôm sau chân sẽ khỏi. Nhưng hôm sau chân bà càng đau và sưng đến đầu các móng. Bà lại tăng đô “thuốc” lên nhiều hơn và bó chặt hơn nữa.
Đến ngày thứ ba thì chân đau, nhức và vô cùng khó chịu nên bà phải đến BV khám. BS đã cho bà nhập viện để cắt lọc da và điều trị nhiễm trùng. BS Duy cho biết, trường hợp này chỉ bị bong gân nhẹ, chỉ cần chườm đá và nghỉ ngơi không vận động mạnh từ 1-3 tuần sẽ khỏi. Còn xử trí sai dẫn đến hoại tử thì phải nhập viện để cắt lọc vết thương và điều trị thương tổn.
Trước đó, ngày 25/5, trên đường chạy xe về nhà, anh Trần Hùng D. (ở Q.Bình Tân) thắng gấp tránh vũng nước nên xe bị nghiêng, anh chống tay trái xuống đất. Về nhà, anh D. thoa dầu nóng và dán cao vào chỗ đau. Hôm sau, anh D. thấy tay đau hơn nên thoa thêm dầu và dán cao nhiều hơn.
Đến ngày thứ năm, tay sưng vù, anh mới vô BV An Bình khám. Kết quả chụp x-quang cho thấy, anh D. bị gãy xương trên ống tay và mẻ xương bàn tay. BS cho biết, nếu ngay từ đầu anh D. vô BV khám thì có thể chỉ bó bột, còn giờ anh để lâu và những ngày qua không cố định tay làm chấn thương trầm trọng hơn nên phải phẫu thuật điều trị.
BS Lê Văn Tư – phòng khám chấn thương chỉnh hình (Q.Gò Vấp) cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chấn thương. Trong đó, có không ít bệnh nhân đến khám khi vết thương đã sưng tấy vì thói quen cứ đau, té là chườm nóng, bó thuốc.
Tuyệt đối không chườm nóng lên vết thương
Nhiều người có thói quen cứ bị té ngã, bong gân là thoa dầu nóng, dán cao, bó thuốc cây cỏ… và tin rằng cách làm này sẽ giúp hết sưng, đau. Trong khi đó, theo các chuyên gia về xương khớp, khi bị té ngã, chấn thương hay bong gân thường sẽ xuất hiện tình trạng sưng, chảy máu dưới vùng da bị thương và vùng dây chằng bị đứt, tùy mức độ nặng nhẹ mà máu sẽ chảy nhiều hay ít. Máu chảy ra làm sưng nề vùng bị thương.
Dân gian quan niệm, xoa dầu nóng, dán cao nóng, đắp lá nóng, xoa thuốc rượu sẽ làm tan máu bầm. Nhưng việc dùng nhiệt tác động lên vùng bị thương là sai lầm nghiêm trọng. Vì nhiệt làm cho các mạch máu dãn nở, gây chảy máu nhiều hơn, khiến tình trạng sưng đau và bầm nơi vùng bị thương càng nặng. Thậm chí, việc xử trí sai phương pháp, trong đó dùng nhiệt khiến máu tụ nhiều gây hoại tử, nguy cơ nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong, hay di chứng teo cơ, cứng khớp về sau.
BS Lê Văn Tư khuyến cáo, cách xử trí đúng khi bị té ngã, chấn thương, bong gân là ngay lập tức dừng hoạt động, với trường hợp nặng (như đau đớn nhiều, khó khăn khi cử động, di chuyển…) cần bất động và chườm lạnh.
Chườm lạnh trong chấn thương là cách sơ cứu đơn giản, nhưng rất hiệu quả. Vì chườm lạnh sẽ giúp các mạch máu co lại, hạn chế tình trạng gây chảy máu, tụ máu. Tuyệt đối, không được thoa dầu nóng, dán cao, xoa rượu thuốc, đắp lá nóng, hơ lửa… Sau khi bị chấn thương, nếu thấy vùng bị thương sưng, đau nhiều, hạn chế vận động, di chuyển khó khăn thì cần đến cơ sở y tế để được xử trí nhanh chóng, kịp thời.
Thùy Dương