Các bác sĩ vừa phẫu thuật và điều trị một trường hợp dị vật đường tiêu hóa ít gặp. Xương nhọn xuyên thủng dạ dày, đâm vào gan một bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân N.T.T., 82 tuổi, được người nhà đưa vào bệnh viện vì đau bụng kéo dài nhiều ngày, càng lúc càng đau nhiều, kèm sốt, mệt mỏi. Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện An Bình (TP.HCM) đã khám lâm sàng, ghi nhận ấn đau ở vùng thượng vị, ấn đau đề kháng điển hình của viêm phúc mạc. Bệnh nhân được cho làm xét nghiệm công thức máu, siêu âm bụng. Kết quả cho thấy bạch cầu máu tăng, là dấu hiệu của nhiễm trùng; siêu âm bụng thấy có khối tụ dịch ở vùng thượng vị.
Từ đó, bác sĩ đã chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT), hình ảnh cho thấy một ổ mủ lớn, khoảng 10 cm ở gan trái, phía dưới là một ổ mủ nhỏ ở cạnh dạ dày, và giữa gan với dạ dày là một mẩu xương cá dài khoảng 4 cm. Với kết quả CT, cùng với tình trạng viêm phúc mạc, cụ T. đã được cho phẫu thuật ngay.
Th.S-BS Trần Đức Lợi, khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện An Bình, cho biết: “Chúng tôi tiến hành mổ nội soi cho bệnh nhân. Gan trái của cụ T. sưng to, có ổ mủ lớn, khi phá ra thì hút được khoảng 300 ml mủ. Sau khi hút sạch mủ ở gan, chúng tôi tiếp cận ổ mủ nhỏ ở giữa gan với dạ dày, phá ổ mủ này thì thấy được xương cá để gắp ra. Bệnh nhân không còn lỗ thủng ở dạ dày, vì xương cá nhọn, và nhỏ, sau khi lọt ra ngoài, lỗ thủng nhỏ ở dạ dày đã tự bít lại. Các bác sĩ đã rửa sạch sẽ ổ bụng rồi dẫn lưu”.
Một ngày sau khi mổ, cụ T. đã tỉnh táo, bớt đau bụng nhiều. Đến sáng 13.5, tức 4 ngày sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể ăn uống bình thường, đi lại được, vết mổ còn đau nhẹ, dự kiến 2 ngày nữa, cụ sẽ được xuất viện.
Điều đáng chú ý là xương cá nằm hẳn bên ngoài dạ dày, mẩu xương đâm xuyên và lọt ra bên ngoài, đâm vào phần gan gây ổ mủ lớn. Đây là trường hợp ít gặp vì thông thường ở những ca dị vật đường tiêu hóa, nếu dị vật đâm thủng thì chỉ phần nhọn là đâm ra ngoài, phần còn lại vẫn ở bên trong. Chẳng hạn bệnh nhân lỡ nuốt một cây tăm, tăm đi xuống ruột non, đâm thủng ruột non, thì chỉ có phần đầu nhọn nhô ra ngoài, thân cây tăm vẫn ở trong ruột.
BS Trần Đức Lợi lưu ý: “Cả cụ T. lẫn người nhà đều không biết rằng cụ đã nuốt nhầm xương cá. Chỉ khi bác sĩ xem hình ảnh chụp CT hỏi lại thì mới xác nhận. Nguyên nhân là do cụ T. đã cao tuổi, còn ít răng và răng yếu nên lúc nhai, không nhận ra có mẩu xương còn sót trong thức ăn khác, cứ thế nuốt xuống. Vì vậy, gia đình có người cao tuổi nếu ăn cá thì nên chú ý lấy xương ra trước”.
Theo BS Lợi, những trường hợp đau bụng kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì nên sớm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám. Nếu không có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau vì sẽ làm mờ triệu chứng bệnh, trong khi bệnh vẫn tiếp tục diễn tiến, và như vậy có thể dẫn đến việc đưa bệnh nhân nhập viện chậm trễ. Như trong trường hợp cụ T., nếu nhập viện trễ hơn, ổ mủ to ở gan có nguy cơ bị vỡ, sẽ gây nhiễm trùng máu rất nghiêm trọng và việc chữa trị sẽ trở nên vô cùng phức tạp.
Nguồn từ: //thanhnien.vn/nuot-nham-xuong-ca-xuong-nhon-xuyen-thung-da-day-dam-vao-gan-185230513153019149.htm