NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC TRẺ MẮC BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại TPHCM năm 2023 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh tăng cao liên tục. Những năm trước phải đến tháng 8, tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng năm nay, đến thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7, bệnh đã tăng và diễn tiến phức tạp, có thể đạt đỉnh dịch trong thời gian tới.

Virus EV71 là gì? Có nhất thiết khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng là phải xét nghiệm virus EV71 hay không?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, mà một trong những tác nhân gây bệnh là tuýp siêu vi trùng EV71 thuộc chi Enterovirus.

Tuýp virus EV71 đôi khi còn có khả năng gây nên bệnh ở hệ thần kinh trung ướng. Khả năng gây bệnh của tuýp EV71 đã được minh chứng là lần đầu tiên (1969) phân lập được chúng ở tổ chức thần kinh trung ương của một số trường hợp tại California (Mỹ).

Virus EV71 có thể lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt, phân của người bệnh. Virus EV71 cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với các đồ vật bị dính nước bọt, phân của người bệnh.

Tuy nhiên, không nhất thiết khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng là phải xét nghiệm Virus EV71. Vì bệnh lý tay chân miệng được chẩn đoán và xác định dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng, theo phác đồ của Bộ Y tế và phác đồ của các bệnh viện Nhi đồng lớn. Xét nghiệm virus EV71 thường được chỉ định cho các trường hợp có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốt cao, đau họng, tê liệt, hoặc khó thở.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng là gì

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường xuất hiện sau 3-5 ngày kể từ khi tiếp xúc với loại siêu vi này. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Trẻ loét miệng, nổi ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân
  • Sốt cao
  • Quấy khóc liên tục
  • Giật mình, hốt hoảng, chới với
  • Run giật tay chân, co giật
Nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân – Một trong những dấu hiệu thường gặp của bệnh lý Tay chân miệng ở trẻ

Những điều cần lưu ý đặc biệt khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

Không phải trẻ nào mắc bệnh tay chân miệng cũng cần nhập viện điều trị nội trú. Có 4 phân độ của tay chân miệng, trong đó độ 1 là mức độ nhẹ nhất, các bé được điều trị ngoại trú tại nhà. Và sau đây là những điều các bậc phụ huynh cần chú ý đặc biệt

  • Chú ý chế độ dinh dưỡng của trẻ theo nhu cầu. Nếu trẻ còn bú mẹ thì cho bé bú nhiều hơn
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng và nguội. Vì khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, thường sẽ có những vết loét ở vòm họng, ảnh hưởng nhiều đến sức ăn và uống của trẻ.
  • Chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích đối với trẻ
  • Theo dõi sát sao tình trạng bệnh của trẻ để khi có dấu hiệu chuyển độ, cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện.

Chú ý cho trẻ dùng thức ăn lỏng và nguội (Hình ảnh: Internet)

Chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ (Hình ảnh: Internet)

Để cập nhật các hoạt động của bệnh viện An Bình, mời theo dõi trang fanpage chính thức của bệnh viện

Tin bài: Tổ truyền thông