Cứ 10 giây, toàn thế giới lại có một người chết do các biến chứng liên quan đến đái tháo đường. Bệnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ… nhưng vẫn còn nhiều người mắc mà không biết.
Thông tin được bác sĩ CKII Nguyễn Thị Lệ Hằng – trưởng khoa nội tiết Bệnh viện An Bình (TP.HCM) – cho biết tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường với chủ đề “Nâng cao kiến thức vì một cộng đồng đái tháo đường khỏe mạnh” do Bệnh viện An Bình tổ chức ngày 12-8.
Tại buổi sinh hoạt, khoảng 100 người dân được đo chỉ số đường huyết mao mạch và đo chỉ số Albumine niệu giúp tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Qua tầm soát đã phát hiện nhiều người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Ngồi tựa lưng vào tường, bà Trần Diễm Linh (60 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) chia sẻ bản thân hay mệt và mới được nhân viên y tế Bệnh viện An Bình thông báo chỉ số đường huyết cao, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và hẹn đầu tuần tái khám.
“Người dễ mệt lắm, huyết áp cao, hay đổ mồ hôi. Lâu nay sợ mình bị đái tháo đường nên cũng chú ý ăn uống, tập thể dục nhưng tập được xíu lại mệt”, bà Linh chia sẻ.
Thông tin với bệnh nhân, bác sĩ Hằng cho hay đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, biểu hiện là tăng đường máu mạn tính cùng rối loạn chuyển hóa carbonhydrate (chất đường), lipid (chất béo), protid (chất đạm) do sự giảm bài tiết insulin của tụy hoặc hoạt động kém hiệu quả của insulin hoặc do cả hai.
Bệnh đái tháo đường sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch từ 2-4 lần so với người không bị đái tháo đường và chúng cũng làm tăng 2-4 lần nguy cơ bị đột quỵ. Cứ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, ở Mỹ lại có thêm 17.280 bệnh nhân đái tháo đường mới, tuy nhiên còn 5% bệnh nhân chưa phát hiện được.
Hiện bệnh đái tháo đường được chia thành type 1, type 2 và thai kỳ. Trong đó đái tháo đường type 1 là bệnh tự miễn, cần có insulin để sống và không thể ngăn ngừa được nên tỉ lệ tử vong cao.
Còn đái tháo đường type 2 là do cơ thế đề kháng insulin dẫn đến tăng đường huyết, có thể ngăn ngừa bằng ăn uống lành mạnh, vận động.
Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người mắc bệnh đái tháo đường nhưng không biết cho đến khi vô tình xét nghiệm máu, nước tiểu. Bên cạnh đo chỉ số đường huyết, các triệu chứng nhận biết một người bị đái tháo đường gồm tiểu nhiều, khát nhiều, thèm ăn, ăn nhiều nhưng nhanh đói, vết thương khó lành, sụt cân, tê đầu ngón chân và tay, hoa mắt, cảm giác mệt mỏi, nhìn mờ.
Làm gì khi bị đái tháo đường?
Bác sĩ Hằng khuyến cáo người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý, luyện tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng hợp lý, ngưng thuốc lá, tái khám định kỳ, tự theo dõi đường huyết và huyết áp, kiểm tra chăm sóc bàn chân hằng ngày.
Để cập nhật các hoạt động của bệnh viện An Bình, mời theo dõi trang fanpage chính thức của bệnh viện