TỔNG QUAN BỆNH TRĨ – HIỂU RÕ ĐỂ PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

Trĩ không phải là bệnh, đây là một cấu trúc bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, khi cấu trúc trĩ bị sa giãn và viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến triệu chứng nặng, tức chảy máu hoặc đau, rát, sa búi trĩ… thì gọi là bệnh trĩ.

Bệnh trĩ là một trong những căn bệnh phổ biến nhất của vùng hậu môn, trực tràng nhưng lại khá nhạy cảm, khó nói. Người bệnh thường rất ngại ngùng khi đến các cơ sở y tế nên họ phải âm thầm chịu đựng căn bệnh này. Hoặc đôi khi, người bệnh tự điều trị, nhưng nguy hiểm là tự điều trị sai cách, dẫn đến nhiều hiệu quả nghiêm trọng.

Bài viết dưới đây của các bác sĩ Khoa Ngoại, Bệnh viện An Bình, sẽ tổng hợp một cách khái quát những thông tin tổng quan, giúp bạn phần nào định nghĩa được nguyên nhân, triệu chứng, cũng như các phương pháp điều trị bệnh trĩ.

Điều quan trọng nhất là bệnh trĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được. Thế nên, ngay khi có các dấu hiệu, hãy đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị.

  1. Bệnh trĩ là gì

Như đã mô tả ở trên, trĩ hoàn toàn không phải là bệnh, đây là một cấu trúc rất bình thường của cơ thể, giống như ruột thừa vậy. Tuy nhiên, bệnh trĩ xuất hiện khi các mạch máu (tĩnh mạch) bên trong và bên ngoài hậu môn bị dãn, phù nề. Nguyên nhân là do có sự gia tăng áp lực lên các mạch máu này. Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.

  1. Phân loại và phân độ bệnh trĩ.

Phân loại bệnh trĩ

Về cơ bản, trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại. Trường hợp người bệnh có cả hai, thì gọi là trĩ hỗn hợp.

  • Trĩ nội: Búi trĩ gọi là trĩ nội khi nằm bên trong hậu môn (trên đường lược)
  • Trĩ ngoại: Búi trĩ gọi là trĩ ngoại khi nằm ngay dưới da bên ngoài hậu môn.

Phân độ bệnh trĩ

  • Đối với trĩ ngoại, không có phân độ nặng nhẹ
  • Trĩ nội, hay phần nội của trĩ hỗn hợp được phân độ như sau:
  • Độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và chưa bị lòi ra ngoài.
  • Độ 2: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đi đại tiện, có thể tự chui vào sau đi tiêu.
  • Độ 3: Búi trĩ lòi ra ngoài khi đi tiêu và cần phải dung tay đẩy vào
  • Độ 4: Búi trĩ thường xuyên sa ra ngoài, ngay cả khi người bệnh không đi tiêu, như khi ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều. Lúc này trĩ gây nhiều khó khăn cho việc đại tiện và sinh hoạt.
Phân độ bệnh trĩ
  1. Yếu tố nguy cơ của bệnh trĩ

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ bao gồm:

  • Tuổi tác: Bệnh trĩ thường xảy ra ở người có độ tuổi từ 45 đến 65 tuổi
  • Phụ nữ có thai
  • Thói quen rặn nhiều, ngồi lâu khi đại tiện
  • Béo phì
  • Những hoạt động cần gồng cơ bụng nhiều như tập tạ…
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh trĩ
  • Bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài

 

  1. Triệu chứng của bệnh trĩ

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trĩ có thể bao gồm:

  • Có máu đỏ tươi trong phân, dính trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu
  • Khối sung đau ra sa ngoài hậu môn
  • Đau rát hậu môn
  • Ngứa hậu môn

Những triệu chứng của bệnh trĩ có thể giống với một số bệnh lý khác như: Ung thư trực tràng, ung thư ống hậu môn, nứt hậu môn. Điều quan trọng nhất, là cần phải gặp các bác sĩ ngay khi có những triệu chứng trên.

  1. Bệnh trĩ được chẩn đoán như thế nào
  • Thăm khám lâm sàng: Các Bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám xem có búi trĩ ở bên trong hoặc bên ngoài hậu môn hay không. Có khối u nào hay không.
  • Nội soi hậu môn – trực tràng: một ống soi ngắn, mềm được đưa vào bên trong hậu môn, giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh trĩ và mức độ nặng của nó cũng như các bệnh lý khác như ung thư trực tràng, nứt hậu môn, polyp hậu môn… Có thể sinh thiết mẫu mô bất thường khi cần.
  • Nội soi toàn bộ đại tràng: ngoài chẩn đoán được bệnh trĩ, nội soi đại tràng còn giúp chẩn đoán được các bệnh lý như viêm đại tràng, loét đại tràng, polyp đại tràng, bệnh Crohn… Ngoài ra, nó còn giúp tầm soát và loại trừ ung thư đại tràng, đặc biệt ở người lớn tuổi. Có thể sinh thiết mẫu mô bất thường khi cần.
  1. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ là gì

Chiến lược điều trị bệnh trĩ

Chiến lược điều trị bệnh trĩ phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Tuổi, tình trạng sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh trước đây.
  • Mức độ nặng nhẹ của bệnh.
  • Bị trĩ nội, trĩ ngoại hay cả hai.
  • Đáp ứng với thuốc điều trị trĩ có hiệu quả hay không.
  • Diễn tiến của bệnh có nghiêm trọng hơn không.
  • Mong muốn của người bệnh.

Phương pháp điều trị

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là nền tảng của việc điểu trị bệnh trĩ, vì những lý do sau đây:

  • Tiếp cận cơ bản, phổ biến & ứng dụng ngay
  • Bảo tồn cấu trúc ống hậu môn
  • Duy trì chức năng cơ thắt
  • Giảm thiểu rủi ro biến chứng do phẫu thuật / thủ thuật
  • Giảm độ nặng giai đoạn cấp tính (chảy máu, đau, ngứa, rát, …)
  • Chuẩn bị thuận lợi cho can thiệp ngoại khoa

Phương pháp điều trị nội khoa bao gồm:

  • Ngâm hậu môn với nước ấm 2 – 3 lần một ngày.
  • Chườm lạnh lên búi trĩ để giảm sưng nề.
  • Sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc đặt hậu môn để giảm đau, giảm phù nề.
  • Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn: rau, trái cây, ngũ cốc.

Điều trị ngoại khoa

Trường hợp các phương pháp điều trị nội khoa nói trên thất bại, người bệnh cần đến can thiệp thủ thuật, phẫu thuật để làm giảm hoặc cắt bỏ hoàn toàn búi trĩ, gồm:

  • Thắt dây chun: một dây cao su được cột tại gốc búi trĩ để cắt đứt nguồn cấp máu đến búi trĩ. Vài ngày sau cho đến một tuần, búi trĩ sẽ co lại và tự rụng mất. Phương pháp này dành cho các bệnh nhân mắc bệnh trị cấp độ 1 – 2
  • Liệu pháp xơ hóa: một loại hóa chất đặc biệt được tiêm vào các mạch máu trĩ gây xơ hóa các mạch máu này. Cuối cùng làm búi trĩ tiêu biến. Phương pháp này dành cho các bệnh nhân mắc bệnh trị cấp độ 1 – 2
  • Quang đông hồng ngoại: dùng tia sáng hồng ngoại chiếu trực tiếp vào mô trĩ để triệt tiêu búi trĩ. Phương pháp này dành cho các bệnh nhân mắc bệnh trị cấp độ 1 – 2
  • Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: theo phương pháp Milligan – Morgan (Saint Mark).
  • Phẫu thuật khâu treo và triệt mạch trĩ: theo phương pháp Longo.

Lưu ý: Thủ thuật & phẫu thuật có tỉ lệ biến chứng nên phải được chỉ định – thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn – tay nghề cao

  1. Biến chứng của bệnh trĩ
  • Thiếu máu mãn tính: do chảy máu rỉ rả từ búi trĩ lâu ngày.
  • Búi trĩ lớn, ra ra ngoài hậu môn có thể bị thắt nghẹt, gây đau dữ dội và chảy máu. Búi trĩ sau đó hoại tử, nhiễm trùng. Lúc này, bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật.
  1. Phòng ngừa bệnh trĩ

Để ngắn ngừa và giảm triệu chứng bệnh trĩ, cần chú ý những điều sau:

  • Chế độ ăn lành mạnh, đẩy đủ chất xơ, uống nhiều nước
  • Giảm thời gian đại tiện.
  • Tránh táo bón, rặn nhiều khi đại tiện.
  • Giữ cân nặng hợp lý, tránh béo phì,

 

Thông qua bài viết, chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giúp giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh trĩ, từ nguyên nhân đến cách phòng ngừa và điều trị. Hãy luôn quan tâm đến sức khỏe của mình và quan trọng nhất, đó là hãy tìm kiếm lời khuyên từ các bác sĩ, các chuyên gia y tế khi cần thiết.

Liên hệ với Bệnh viện An Bình để được thăm khám và điều trị

+ Liên hệ số điện thoại 098 299 3708 để được hỗ trợ, tư vấn và khám tại phòng khám chuyên gia.

+ Hoặc trực tiếp đến thăm khám tại bệnh viện An Bình, khoa Ngoại Tổng hợp

+ Đăng ký khám để có số thứ tự trước, qua link: https://youmed.vn/dat-kham/benh-vien/bvanbinh

Thời gian tiếp nhận khám và tái khám: Lúc 7h-16h, từ thứ 2 – đến thứ 6 hàng tuần

Địa chỉ đăng ký khám: 146 An Bình, Phường 7, Quận 5, Thành phồ Hồ Chí Minh.

Để cập nhật các hoạt động của bệnh viện An Bình, mời theo dõi trang fanpage chính thức của bệnh viện