Bệnh viện An Bình triển khai tập huấn cấp cứu đột quỵ não cấp nhằm tăng khả năng phục hồi, giảm gánh nặng tàn phế cho bệnh nhân

Cấp cứu đột quỵ, đặc biệt là biện pháp điều trị tiêu huyết khối tĩnh mạch tại Bệnh viện An Bình đã được triển khai từ rất sớm. Bên cạnh đó, với cách bố trí phù hợp, từ phòng cấp cứu di chuyển sang phòng chụp CT chưa đến 5 phút, giúp các bác sĩ có thể quyết định điều trị sớm và đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.

Rút ngắn thời gian di chuyển, tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ cấp

Ngày 22/12/2023, Bệnh viện An Bình thực hiện diễn tập quy trình cấp cứu đột quỵ não cấp. Chương trình được diễn ra dưới sự chỉ đạo của ThS.BS Hồ Hữu Thật – Phó khoa Nội Thần kinh cùng các thành viên trong đơn vị đột quỵ tại bệnh viện.

Diễn tập quy trình (Simulation) là việc mô phỏng lại tất cả các thao tác đã được thực hiện một cách thường quy bởi các bác sĩ và điều dưỡng của đơn vị đột quỵ trên một bệnh nhân giả lập (do các điều dưỡng hoặc nhân viên y tế đóng vai).

Các y bác sĩ Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện An Bình thực hiện diễn tập

Toàn bộ quá trình sẽ được ghi hình và sử dụng như một tài liệu tập huấn nội bộ cho đơn vị đột quỵ và là công cụ hỗ trợ cho việc ghi nhận, tuyên dương những khâu đã hoàn thành tốt và rút kinh nghiệm với những khâu còn vướng mắc, khó khăn. Từ đó rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, giúp người bệnh sớm quay lại với cuộc sống bình thường, vì trong đột quỵ “thời gian là não”.

Bên cạnh đó, bệnh viện hướng tới đạt các chứng nhận quốc tế trong điều trị đột quỵ như chứng nhận WSO Angels Award là giải thưởng mà Hội Đột quỵ Thế giới (W.S.O) dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu.

Để được nhận các giải thưởng này trong điều trị đột quỵ, cần đạt các tiêu chí do WSO đề ra về hệ thống cấp cứu, về nhân lực, trang thiết bị, tiêu chuẩn vàng trong điều trị nhồi máu não, tái thông mạch máu, được chẩn đoán và điều trị, can thiệp kịp thời…

ThS.BS Hồ Hữu Thật – Phó khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện An Bình cho biết: “Cấp cứu đột quỵ, đặc biệt là biện pháp điều trị tiêu huyết khối tĩnh mạch tại Bệnh viện An Bình đã triển khai từ rất sớm cùng với các bệnh viện lớn trong thành phố. Tuy nhiên trong thời gian dịch COVID-19 bệnh viện chuyển sang chống dịch cùng cả nước nên điều trị đột quỵ bị gián đoạn”.

Hiện tại, bệnh viện đã trang bị máy chụp CT mới và khởi động lại chương trình cấp cứu đột quỵ cấp, đặc biệt là biện pháp tiêu huyết khối đường tĩnh mạch trong cửa sổ từ 0 – 4,5 giờ.

Theo ThS.BS Hồ Hữu Thật cần thực hiện CT scan và xét nghiệm đường huyết trước khi điều trị

Với trang thiết bị sẵn có và cách bố trí phù hợp, từ phòng cấp cứu di chuyển sang phòng chụp CT chưa đến 5 phút, nhờ đó các bác sĩ có thể quyết định điều trị sớm và đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân.

Phó khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện An Bình đánh giá: “Quy trình thực hiện cấp cứu đột quỵ tại đây khá suôn sẻ, gần đạt với quy trình mặt bằng chung điều trị đột quỵ của các bệnh viện hạng 1 khác tại TPHCM và các khu vực lân cận, thậm chí là bệnh viện trên cả nước”.

Kỹ năng nhận diện tốt sẽ góp phần chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân đột quỵ

Cùng với đó, bệnh viện triển khai bài báo cáo “Cập nhật quy trình điều trị đột quỵ hiện tại ở Bệnh viện An Bình” do ThS.BS Hồ Hữu Thật – Phó khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện An Bình trình bày để tập huấn cho các bác sĩ trẻ, đây cũng là những bác sĩ thường xuyên tham gia trực cấp cứu.

Phiên báo cáo có khoảng 80 bác sĩ tham dự, đến từ khoa Cấp cứu, Đơn vị Đột quỵ, khoa Nội thần kinh, ngoài ra còn có một số bác sĩ từ các chuyên khoa khác

ThS.BS Hồ Hữu Thật chia sẻ, bệnh nhân đột quỵ có thể khởi phát tại nhà và đến bệnh viện gặp bác sĩ cấp cứu, sau đó bác sĩ Đột quỵ, Nội thần kinh xuống khám, đánh giá điều trị. Hoặc đôi khi bệnh nhân đột quỵ nằm tại các khoa của bệnh viện như Nội tiết, Tim mạch… Vì vậy, bác sĩ tại các khoa phải có kỹ năng nhận diện tốt, giúp chẩn đoán nhanh, góp phần cải tiến quy trình điều trị đột quỵ và điều trị sớm nhất có thể. Mặc dù điều trị đột quỵ cấp trong vòng 4,5 giờ tuy nhiên điều trị thuốc càng sớm khả năng phục hồi càng tốt. Nếu chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ tàn phế cho bệnh nhân”.

ThS.BS Hồ Hữu Thật – Phó khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện An Bình mang đến những thông tin hữu ích trong phần trình bày về “Cập nhật quy trình điều trị đột quỵ hiện tại ở Bệnh viện An Bình”

“Chẩn đoán đột quỵ sớm thông thường không khó (khoảng 70%), tuy nhiên vẫn có một số trường hợp khó chẩn đoán và rất dễ bỏ sót nếu không hỏi bệnh và thăm khám kỹ lưỡng. Cửa sổ điều trị thuốc rTPA hiện nay là 4,5 giờ. Ngoài ra, cần thực hiện CT scan và xét nghiệm đường huyết trước khi điều trị” – ThS.BS Hồ Hữu Thật nhấn mạnh.

Quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện An Bình đối với bệnh nhân nhập viện trong vòng 4,5 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ

1. Bác sĩ cấp cứu khám tiếp nhận bệnh nhân.

2. Thực hiện các xét nghiệm thường quy: CTM, sinh hóa, chức năng đông máu, ECG, X-quang ngực thẳng (KHẨN)

3. Đưa bệnh nhân đi chụp MSCT không cản quang (KHẨN)

4. Mời bác sĩ trực Đột quỵ khám KHẨN (Thông báo với bác sĩ Đột quỵ khám khẩn bệnh nhân tiêu huyết khối)

5. Bác sĩ trực Đột quỵ khám đánh giá bệnh nhân tại khoa cấp cứu. Nếu đúng chỉ định, tiến hành điều trị rTPA bolus tại Khoa cấp cứu

6. Sau khi bolus rTPA, tiến hành chụp CTA khảo sát động mạch não (trong khi vẫn đang truyền tĩnh mạch thuốc rTPA). Trong các trường hợp không có tiền căn bệnh thận kèm theo, không bắt buộc phải có kết quả Creatinin trước khi chụp CTA.

7. Nếu không có tắc động mạch lớn: cho nhập đơn vị Đột quỵ

8. Nếu bệnh nhân có tắc động mạch lớn, tư vấn và xem xét chuyển Bệnh viện Nhân dân 115 để điều trị Can thiệp nếu bệnh nhân có tắc động mạch lớn (nếu thân nhân bệnh nhân đồng ý chuyển).

Nguồn: alobacsi.com